Để hiện đại hoá nền nông nghiệp thì ngành thuỷ lợi cần phải đi trước một bước. Nhưng cứ nhìn vào những công trình đầu mối thuỷ lợi đang xuống cấp trầm trọng, chưa được khắc phục; những hệ thống kênh dẫn nước tắc nghẽn do bồi lắng, rác rưởi… thì chúng ta không khỏi bi quan.
Chắp vá
Ở miền Bắc, nhiều công trình đầu mối thuỷ lợi có tuổi thọ 50 - 70 năm, dù mang trên mình “thương tật” nhưng vẫn phải oằn mình chống hạn, chống lũ; ôm đồm cả hai trọng trách lớn lao: vừa tưới, vừa tiêu. Mùa mưa bão đang vào cao điểm, nỗi lo lụt, úng ngày càng đẩy lên cao độ.
Ông Nguyễn Văn Hội, TGĐ Cty Đầu tư & phát triển thuỷ lợi Sông Nhuệ (Hà Nội) cho biết: Trên trục chính sông Nhuệ có 10 cống đập thì toàn bộ đều được xây dựng từ năm 1938 - 1940 nên nhiều bộ phận đã bị xuống cấp nặng.
Điển hình là cống Liên Mạc nằm tại k53+700 đê sông Hồng đã bị xuống cấp, khẩu diện nhỏ, đáy cao. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc để thay thế. Nhưng mùa mưa bão năm nay, công trình vẫn phải gồng mình chống lũ và nguy hiểm tiềm ẩn rất lớn.
Cống Nhật Tựu (huyện Duy Tiên, Hà Nam) được xây dựng cách đây 70 năm, hiện tại đã bị lún nghiêng về phía hạ lưu bờ hữu, trụ bin số 8 bị lún đến 15 cm, bê tông bị bong tróc, nứt vỡ, hở cốt thép, hệ thống cơ khí, dàn van hoen gỉ, dù đã gia cố nhiều lần nhưng vẫn không thể khắc phục được; phần đá xây, đất đắp bong tróc, lún sụt…
Toàn bộ hệ thống sông Nhuệ có 303 trạm bơm với 1.476 máy bơm các loại, làm nhiệm vụ tưới, tiêu và tưới tiêu kết hợp. Trong đó nhiều công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trạm bơm Ngoại Độ I thuộc huyện Ứng Hoà (Hà Nội) có 15 máy thì 7 máy bị hỏng bi, mòn bạc, vận hành ồn và rung mạnh. Còn trạm bơm Bộ Đầu thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) quy mô 27 máy 980 m3/h, mặc dù đã được cấp kinh phí sửa chữa, thay thế máy bơm cũ nhưng hiện tại vẫn còn 17 tổ máy bị xuống cấp, lạc hậu…
Tại hệ thống thuỷ lợi Bắc Đuống, các đơn vị KTCTTL cũng rất lo lắng khi vào mùa mưa bão. Bởi hầu hết các trạm bơm đã cũ nát, năng lực hiện tại của hệ thống là 205,1 m3/s, chỉ đạt 65% so với yêu cầu. Các trạm bơm đầu mối như Trịnh Xá, Thái Hoà, Kiều Lương, Kim Đôi không hoạt động đủ công suất thiết kế.
Ông Ngô Xuân Hướng, GĐ Cty TNHH MTV KTCTTL Bắc Đuống than thở: “Chúng tôi đang phải điều hành một hệ thống kỹ thuật thiếu năng lực đầu mối khá nghiêm trọng”.
Đáng lo nhất là trạm bơm Trịnh Xá, có nhiệm vụ lấy nước từ sông Đuống thông qua kênh Long Tửu. Trước đây, cống Long Tửu thường xuyên ở cost 2,5 - 3 m. Nhưng, những năm gần đây, mực nước rút xuống chỉ còn 0,6 - 0,7 m. Việc bơm tưới cho vụ xuân hoàn toàn phải phụ thuộc vào hoạt động xả lũ của hồ Hoà Bình, năng lực chỉ đáp ứng từ 1/3 - 2/3 so với thiết kế.
Vì thế, trong mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau), công nhân Cty Bắc Đuống phải gồng mình tháo lắp các trạm bơm dã chiến như Yên Hậu, Tri Phương để tiếp sức cho trạm bơm Trịnh Xá mới đủ nước tưới.
Bên cạnh đó, đô thị hoá ngày càng đè nặng lên vai ngành thuỷ lợi. Ông Nguyễn Văn Ty, PGĐ Cty TNHH KTTL Bắc Đuống tâm sự: “Hiện, nguồn thu của doanh nghiệp KTCTTL chỉ có nông nghiệp. Nhưng chúng tôi phải gánh thêm cả việc tiêu nước cho đô thị, công nghiệp mà không được nhận tiền. Bởi nếu không bơm tiêu cho thị xã thì lúa lại chết trước vì nằm ở vùng trũng”.
Bờ đê thấp, kênh mương ách tắc
Vụ mùa 2012, toàn tỉnh Bắc Ninh mất trắng 1.200 ha lúa. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Sở NN-PTNT Bắc Ninh thì nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại trên là do mưa bão kéo dài và diễn ra liên tục. Hệ thống đầu mối thuỷ lợi đã thiếu lại quá cũ nát, công suất không đảm bảo. Kênh mương bị ách tắc.
Một trong những trở ngại lớn dẫn đến việc tưới, tiêu của ngành thuỷ lợi gặp khó khăn đó là phần lớn kênh mương nội đồng đều bị bồi lắng, bờ, mái kênh sạt lở, mặt cắt ngang bị biến dạng so với thiết kế. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Đạc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Phong (Bắc Ninh) là một ví dụ điển hình:
“Mỗi đợt lấy nước, do hệ thống kênh cấp 2 vừa hẹp lại bị bồi lắng nghiêm trọng nên khả năng tự chảy là rất thấp, bắt buộc các trạm bơm cục bộ phải vận hành thì mới lấy nước đủ cho dân cấy. Nhưng, các trạm bơm cục bộ do HTXNN quản lý lại thiếu tiền nên xảy ra mâu thuẫn với xí nghiệp thuỷ nông.
Thậm chí có trường hợp sắp đến ngày cấy rồi HTX mới bơm, gây khó khăn trong việc cày dầm và các quy trình làm đất khác. Có khi chỉ sau khi cày 2 ngày là dân tổ chức cấy luôn nên năng suất bị giảm. Tuyến kênh từ Tam Đa xuống Vạn An đang bị tắc hẳn, không thể dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho các địa bàn lân cận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do huyện không có kinh phí nạo vét kênh mương”.
Bên cạnh đó, do tác động của con người, phương tiện giao thông vận tải và của thiên nhiên nên cao trình mặt đê của nhiều tuyến sông không còn đủ như thiết kế ban đầu.
Nhiều vị trí bị sạt lở, ảnh hưởng đến công tác PCLB. Hiện bờ hữu sông Nhuệ đoạn qua địa phận xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội cao trình thấp, không đảm bảo chống tràn khi mực nước sông Nhuệ lên cao. Năm 2012 khu vực này đã bị tràn.
Các cống Cầu Ngà, sông Tô Lịch không có cống đầu kênh, hai bờ chưa được nâng cấp như đê sông Nhuệ nên rất xung yếu. Trong mùa mưa bão năm 2012, khi mực nước sông Nhuệ lên cao, đã bị tràn bờ gần 1.800 m tại huyện Hoài Đức, nhưng hậu quả lại uy hiếp huyện Từ Liêm. Đây là một trong những trọng điểm PCLB cần quan tâm theo dõi trong mùa mưa bão 2013.