Số liệu của của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 đạt 5,68 tỉ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm trong tháng 8 đã ít hơn tỷ lệ trung bình, xuất khẩu tháng 8 đạt 750 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng, hai mặt hàng chủ lực là tôm nước lợ xuất khẩu giảm 30,7%; cá tra giảm 36%.
Về sản lượng vẫn tăng trưởng tốt với nuôi trồng vượt khai thác. Trong 8 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 5,93 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác hơn 2,63 triệu tấn, tăng 0,3%; nuôi trồng gần 3,3 triệu tấn, tăng 3,8%.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, một phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy có tín hiệu lạc quan. Đó là, thủy sản Việt Nam vẫn đứng đầu nhiều thị trường trong khối CPTPP. Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm, tôm Việt Nam đứng đầu thị trường Nhật Bản với 25 - 26% thị phần; ở Australia tăng thị phần từ 32% lên 69%.
Tôm nuôi nước lợ cả năm đảm bảo tăng sản lượng. Ảnh: Tép Bạc
Những thế mạnh của thủy sản Việt Nam ở các thị trường CPTPP là chế biến sâu và thuế nhập khẩu giảm. Sau 5 năm thực thi, thuế nhập khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam vào CPTPP đã về 0% hoặc cơ bản 0%. Các doanh nghiệp nước ta tận dụng khá hiệu quả lợi thế này khi CPTTP nhập khẩu thủy sản hàng năm từ 21- 27 tỷ USD, chiếm 15,5% giá trị nhập khẩu thủy sản cả thế giới. Một số thị trường ở Đông Nam Á còn có lợi thế về địa lý cho thủy sản nước ta, trong lúc kinh tế khu vực này khá ổn định, lạm phát thấp.
Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương cũng cho hay, tại châu Âu, sau khi giảm mạnh vào tháng 5/2023 thì sang tháng 6, xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường Anh đã tăng mạnh. Cụ thể trong tháng 6, xuất khẩu thủy sản sang Anh đạt 4.400 tấn, kim ngạch tương đương 29 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 16% về trị giá so tháng 6/2022. Dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, triển vọng ở thị trường Anh vẫn rất lớn.
Dự đoán của các chuyên gia, cơ hội cho thủy sản xuất khẩu nước ta sẽ tăng lên trong các tháng cuối năm. Để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm cơ hội, VASEP đã đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4%, lãi suất vay tiền đồng dưới 7% và cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả.
Bên cạnh còn có gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng nên doanh nghiệp thủy sản không lo thiếu vốn mua nguyên liệu. Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cũng khẳng định, sản lượng nuôi trồng đang tăng trưởng tốt để đáp ứng yêu cầu chế biến, xuất khẩu của mục tiêu kim ngạch khoảng 10 tỷ USD trong năm 2023.
Hy vọng xuất khẩu cá tra tăng trưởng tốt những tháng cuối năm
Để nuôi trồng thủy sản những tháng cuối năm 2023 phát triển ổn định, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các địa phương đề nghị đảm bảo kế hoạch tăng trưởng. Các địa phương thống kê nguồn, lượng và khả năng sản xuất để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi nhằm đảm bảo kế hoạch tổ chức nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu.
Văn bản của Bộ NN&PTNT nhấn mạnh đến việc ổn định nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Duy trì diện tích nuôi sinh thái, hữu cơ, tôm - lúa, tôm - rừng, quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi ở những khu vực này để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú; phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất. Thực hiện các giải pháp hạ giá thành trong nuôi trồng; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và thực hiện tốt công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản.