Nhân dịp này, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Huy Điền (ảnh)- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) về định hướng của ngành trong năm 2014.
Thưa ông, nhìn lại năm 2013, ông có đánh giá gì về những kết quả của ngành thủy sản đã đạt được?
- Năm 2013 dù còn khó khăn, nhưng với nỗ lực của toàn ngành và sự cần cù vượt khó của người dân, ngành thuỷ sản đã thắng lợi lớn với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 6,7 tỷ USD, đứng đầu trong khối ngành nông nghiệp. Trong đó, bất ngờ lớn nhất, nằm ngoài tất cả dự báo của cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp chính là lĩnh vực tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng với mức tăng trưởng vượt qua tôm sú cả về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu. Cũng nhờ tôm thẻ chân trắng, năm 2013 đã ghi nhận lần đầu tiên chúng ta lọt vào tốp thứ 3 thế giới về xuất khẩu tôm, với kim ngạch hơn 3 tỷ USD, tăng hơn 40% so với năm 2012 và chiếm 44% trong tổng giá trị thuỷ sản.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả cao, nhưng ngành vẫn gặp khó khăn gì?
- Bên cạnh những mặt tích cực, ngành thủy sản vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Dịch bệnh, giá cả vật tư tăng, giá sản phẩm bấp bênh, chất lượng con giống. Về dịch bệnh, chúng tôi vẫn rất quan ngại bệnh ở tôm. Theo tôi, cần hướng dân tất cả những hộ nông dân đang nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ nắm được quy trình sản xuất an toàn.
Thu hoạch tôm sú tại ĐBSCL.
Tổng cục đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào, thức ăn, chế phẩm sinh học, xử lý chất cải tạo môi trường trong nước; chúng tôi cũng trực tiếp đi kiểm tra về giống tôm bố mẹ nhập khẩu tại Thái Lan, Indonesia và Singapore. Qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện một cơ sở ở Thái Lan không đảm bảo chất lượng nên đã thông báo tới địa phương, doanh nghiệp không nhập khẩu tôm bố mẹ từ cơ sở này, đồng thời thành lập đường dây nóng với các nước đang xuất khẩu tôm bố mẹ vào Việt Nam để kiểm soát tốt hơn nguồn tôm bố mẹ. Năm 2014, sẽ tiếp tục kiểm tra ở Mỹ và Trung Quốc.
Trong năm 2014, ngành thủy sản sẽ có những định hướng gì để tiếp tục phát triển?
- Dự báo năm 2014, nuôi trồng thuỷ sản có nhiều khả năng đối mặt với sự cạnh tranh mạnh trở lại khi các nước phục hồi sản xuất tôm. Mặt khác, nguy cơ dịch bệnh trên tôm sẽ tăng trở lại nếu môi trường nuôi không được quản lý tốt. Mặc dù năm 2013, tôm thẻ chân trắng tăng trưởng vượt bậc, nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo nông dân và các địa phương duy trì diện tích, sản lượng tôm sú, vì đây mới chính là sản phẩm độc quyền và ưu thế của Việt Nam. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, tăng trưởng ở mức độ vừa phải, sản lượng tôm thẻ chân trắng chỉ nên tăng tối đa 20 - 30% trong năm 2014.
Đặc biệt, chúng tôi cũng khuyến cáo đến các địa phương không được lơ là, chủ quan, “ngủ quên” với những kết quả đạt được năm 2013 để rồi “xé rào” vượt quá quy hoạch, không quản lý được dịch bệnh, sản xuất cung vượt cầu đối với tôm thẻ chân trắng.
Để đạt được mục tiêu năm 2014, ngành thuỷ sản cần có giải pháp cụ thể gì?
- Để năm 2014 thắng lợi, chúng tôi cũng lưu ý các địa phương tăng cường chỉ đạo sát sao khung thời vụ, quản lý chất lượng đầu vào, đầu tiên là con giống, chế độ thức ăn, chế phẩm sinh học và vật tư nông nghiệp khác để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi tốt, đảm bảo cho tiêu dùng và xuất khẩu; chú trọng công tác tổ chức lại sản xuất trong nuôi trồng thuỷ sản. Có giải pháp căn bản xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh cá tra, đảm bảo lợi ích của các bên. Ngoài ra, công tác thị trường luôn là vấn đề thường xuyên được quan tâm.
Hiện chúng tôi đang triển khai xây dựng Đề án xúc tiến thương mại, trước mắt là đối với cá tra, tiếp đến là các sản phẩm thuỷ sản khác. Mục tiêu đối với cá tra trước mắt đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước tăng 100% và đến 2020, tăng 300% so với hiện tại.
Xin cảm ơn ông!
"Chúng tôi dự báo năm 2014, mức tăng trưởng của ngành thuỷ sản sẽ vẫn đạt 6-8%, trong đó mặt hàng tôm vẫn được coi là mặt hàng có nhiều tiềm năng với giá trị xuất khẩu có thể đạt được mức 3,5 tỷ USD”.Ông Nguyễn Huy Điền