Thành lập năm 2005, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã có vốn điều lệ 70 tỷ đồng do ông Phan Bá Tòng làm Giám đốc. Lúc cao điểm, 3 nhà máy thu hút đến 3.500 công nhân vì tổng công suất lên đến 300 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Thị trường xuất khẩu của công ty được phát triển tới 40 nước.
Công ty có hệ thống 12 trang trại thủy sản khép kín từ khâu sản xuất cá bột rồi đưa qua ao nuôi 40.000 tấn cá da trơn mỗi năm. Tổng vốn đầu tư ban đầu cho 100 ha đất trang trại này là 200 tỷ đồng, đó là chưa tính đến thiết bị, dây chuyền chế biến.
Riêng năm 2009, hai nhà máy Kim Ngư và Thiên Mã 3 đạt kim ngạch xuất khẩu trên 70 triệu USD.
Thiên Mã có dấu hiệu tuột dốc khi lãi suất ngân hàng dâng cao. Như nhiều doanh nghiệp cùng ngành, Thủy sản Thiên Mã bắt đầu lún vào nợ nần từ đầu năm nay, nợ quá hạn không khả năng thanh toán nên rơi vào “danh sách đen” của các ngân hàng.
Theo nguồn tin của VnExpress, tổng nợ tại 5 ngân hàng của Công ty Thiên Mã lên đến 430,5 tỷ đồng. Trong đó có ngân hàng, công ty nợ vay 205,3 tỷ đồng và nợ lãi lên đến 72,7 tỷ đồng. Đó là chưa tính khoản nợ 52 tỷ đồng Thủy sản Thiên Mã chưa có khả năng trả cho nông dân.
Trao đổi với phóng viên VnExpress ngày 15/11, ông Tòng cho biết đến nay công ty “nợ trong nợ ngoài” khoảng 560 tỷ đồng. Cuộc trò chuyện luôn bị gián đoạn do ông Tòng liên tục nghe điện thoại nhằm thương thảo thời gian trả nợ và chuyển nhượng đất đai với giá tiền tỷ mong sớm tìm vốn xoay trở cho hoạt động của Nhà máy Thủy sản Thiên Mã 3.
"Ba nhà máy đã đóng cửa hết hai. Còn một nhưng không tự sản xuất vì ngân hàng ngưng cho vay nên Thiên Mã 3 chỉ gia công khoảng 40-50 tấn nguyên liệu một ngày để duy trì công việc cho khoảng 800 công nhân. 12 trang trại cũng đang nuôi cá nhưng nuôi gia công chớ lấy đâu ra tiền để tự nuôi như trước đây”, ông Tòng cho biết thêm.
Theo ông Tòng, nếu được khoanh nợ từ 3-5 năm và có được hạn mức tín dụng mới, công ty tiếp tục tự nuôi cá trở lại để nhà máy có đủ nguyên liệu hoạt động.
Thiên Mã là doanh nghiệp thủy sản thứ hai ở Cần Thơ, sau Bình An (Bianfishco) của nữ đại gia Diệu Hiền tuyên bố rơi vào tình cảnh mất khả năng tự cân đối nợ nần. Bianfishco sau hơn 7 tháng vật lộn với nguy cơ phá sản đã được ngân hàng SHB rót vốn và chính thức đổi chủ khi ông Trần Văn Trí - chồng bà Diệu Hiền rút khỏi công ty.
Một công ty thủy sản khác trong khu vực ĐBSCL là Phương Nam cũng đang chuẩn bị phương án tái cơ cấu, xử lý khoản nợ lên tới 1.600 tỷ đồng.