Điều này đang đặt ra cho ngành thủy sản nhiều khó khăn thách thức trong những tháng cuối năm.
Ngày 4/7, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018.
Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước ước đạt gần 1,8 triệu tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng tôm sú ước đạt 106 nghìn tấn (tăng 5,8%), tôm thẻ chân trắng 152 nghìn tấn (tăng 14,5%), sản lượng cá tra 643 nghìn tấn (tăng xấp xỉ 10%).
Mặc dù các đối tượng thủy sản nuôi đều tăng khá về sản lượng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên so với kế hoạch cả năm 2018, sản lượng nuôi nửa đầu năm mới chỉ đạt ở tỉ lệ khá thấp. Cụ thể, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản mới đạt 44,7% kế hoạch, trong đó tôm nước lợ đạt 34,8% (tôm sú đạt 39,4%, tôm thẻ chân trắng đạt 32,1%), cá tra đạt 51,4% kế hoạch cả năm.
Tổng kim ngạch XK thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 4 tỉ USD, đạt 40,3% kế hoạch cả năm 2018. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, với mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đặt ra phải đạt 10 tỉ USD kim ngạch XK thủy sản trong năm 2018, đây là một khó khăn thách thức lớn của ngành thủy sản trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông Tám cũng lạc quan cho rằng: Thực tiễn cho thấy có những năm, mà điển hình là 2016, ngành thủy sản gặp vô vàn khó khăn trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của hạn – mặn ở ĐBSCL.
Đặc biệt đối với tôm nước lợ, nửa đầu năm 2016 mới chỉ đạt khoảng 190 nghìn tấn (so với khoảng 250 nghìn tấn của 6 tháng đầu năm 2018), tuy nhiên tới cuối năm, ngành hàng tôm vẫn lách qua khe cửa hẹp để đạt kết quả thắng lợi bất ngờ. Vì vậy từ nay tới cuối năm, nếu tiếp tục có các giải pháp căn cơ, SX và XK thủy sản hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đặt ra của cả năm.
Tuy nhiên, ông Tám cũng nhấn mạnh từ nay tới cuối năm, hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ, ngành hàng có tính quyết định chi phối tới kim ngạch XK thủy sản nước ta sẽ đối mặt với không ít khó khăn, nhất là mùa thiên tai, bão lũ mới bắt đầu, diễn biến thời tiết nắng nóng ở phía Bắc hết sức phức tạp...
Vì vậy, cần tập trung vào các giải pháp nuôi tôm nước lợ như phương thức nuôi tôm 2 giai đoạn; nuôi thâm canh công nghệ cao, công nghệ cao tuần hoàn có kiểm soát môi trường; phát triển tôm quảng canh, quảng canh cải tiến gắn với tôm sú... Đây là những cách làm hiện đã thành công và có nhiều kinh nghiệm tại nhiều tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, khâu quản lí chất lượng giống tôm cần tiếp tục được siết chặt...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Công tác chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là bài học đã được rút ra trong nửa đầu năm 2018, khi trong tháng 4 giá tôm nguyên liệu tăng cao khiến người nuôi ồ ạt đẩy mạnh SX, sau đó giá tôm lại đột ngột giảm mạnh vào tháng 5. Tuy nhiên với các định hướng và hội nghị để điều chỉnh kịp thời, nhất là một số DN đã đồng hành cam kết giảm giá bán tôm giống, giảm giá thức ăn, tăng giá mua nguyên liệu đã giúp người nuôi vượt qua khó khăn...
Đối với cá tra, Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Trong đó, bài học trong nửa đầu năm 2018, khi giá cá tra tăng cao, đã có tình trạng nhiều địa phương ĐBSCL tự phát đào ruộng lúa chuyển sang nuôi cá tra, SX giống cá tra... Đây là vấn đề rất nguy hiểm, bởi diện tích cá tra Việt Nam hiện chỉ có thể ổn định xoay quanh 5.000ha, chỉ cần diện tích, sản lượng cá tra tăng 10-15% trong thời gian ngắn đã có thể gây rối loạn về giá cho mặt hàng này. Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã kịp thời nắm bắt, có văn bản đề nghị các địa phương nhanh chóng kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng gia tăng diện tích cá tra tự phát một cách kịp thời. Nhờ đó, giá cá tra hiện đã được trả về mức ổn định, hợp lí.
Về thị trường XK cá tra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cảnh báo: Thị trường cá tra Trung Quốc đang tiêu thụ rất tốt, tốc độ chưa có điểm dừng, tuy nhiên nguy cơ rủi ro là rất cao vì XK vẫn là tiểu ngạch. Vì vậy thời gian tới, việc đàm phán để XK chính ngạch mặt hàng cá tra vào vào thị trường đầy tiềm năng này là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, Ấn Độ hiện cũng là thị trường có dư địa vô cùng lớn cho cá tra Việt Nam, tuy nhiên việc nước này áp mức thuế rất cao lên cá tra Việt Nam là điều hết sức phi lí và cần phải được tháo gỡ trong thời gian tới.
“Tôm và cá tra vẫn là 2 đối tượng chủ lực có tính quyết định của ngành thủy sản. Hiện nay, tôm nước ngọt dư địa vẫn còn lớn và là đối tượng mới chưa được khai thác tiềm năng. Vì vậy các đơn vị khoa học cần phải có đề tài nghiên cứu. Tôm thẻ hiện đã có thể nuôi bằng công nghệ 100% nước ngọt, vì vậy bên cạnh đẩy mạnh nuôi tôm thẻ nước ngọt, cần khai thác thêm tiềm năng các giống bản địa nước ngọt, tiến tới xây dựng ngành hàng tôm đa dạng cả về chủng loại mặn, lợ, ngọt; đa dạng cả về loại hình nuôi như bể xi măng, trên cát, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm rừng, tôm lúa... Những mô hình nuôi thành công cần phải sớm nghiên cứu tổng kết, đồng thời sớm đẩy mạnh tuyên truyền mở rộng...
Bên cạnh đó, cần tập trung cùng tỉnh Bạc Liêu xây dựng hơn 400ha khu nông nghiệp công nghệ cao về tôm nhằm làm hạt nhân giải quyết những vấn đề căn cốt nhất về giống tôm, quy trình công nghệ nuôi, công nghệ chế biến cho ngành hàng tôm thành chuỗi ngành hàng khép kín”.
(Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường)