Hiện nay, các hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đang tập trung tu sửa, nâng cấp, cải tạo ao đầm, lấy nước và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi xuân hè 2018.
Nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa), sau khi thu hoạch tôm vụ vừa qua, tháng 2-2018, anh Nguyễn Văn Lâm, thôn 3 đang tiến hành làm vệ sinh ao nuôi. Anh Lâm cho biết, năm nay gia đình nuôi thả hơn 1.000 m2, chủ yếu là nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến. Thực tế cho thấy, để nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao thì phải chuẩn bị thật tốt các khâu như: Cải tạo ao đầm, chọn giống, thả nuôi đúng thời vụ và phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, cải tạo ao đầm là khâu kỹ thuật quan trọng, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho tôm giống mới thả, hạn chế được mầm bệnh tồn lưu trong ao, nhất là với ao nuôi nhiều vụ trong năm. Chính vì thế nên vừa qua gia đình anh đã tập trung cải tạo ao đầm, tháo nước kết hợp bơm sục đáy ao, nạo vét loại bỏ lớp bùn đen, sau đó bón vôi bột diệt tạp khuẩn... Đến nay, công tác cải tạo ao đầm đã cơ bản hoàn thành, gia đình anh đang tiến hành xử lý nước theo đúng kỹ thuật, chuẩn bị lấy giống về thả nuôi.
Toàn xã Hoằng Ngọc có 80 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ, hiện công tác vệ sinh môi trường nuôi, tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ và sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo nước đã cơ bản xong. Để các hộ nuôi thủy sản yên tâm sản xuất cho vụ nuôi mới, xã Hoằng Ngọc đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, kiểm tra các hộ nuôi trong việc cải tạo, vệ sinh ao nuôi, dùng vôi bột để khử trùng, diệt khuẩn sau đó phơi đáy ao, dẫn nước thau rửa hệ thống ao để hạn chế dịch bệnh.
Theo kế hoạch, vụ xuân hè năm 2018, huyện Hoằng Hóa thả nuôi khoảng 1.400 ha tôm sú, 55 ha tôm thẻ chân trắng và 700 ha cá các loại. Hiện cán bộ chuyên môn của huyện đang chỉ đạo nhân dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo ao đầm đến chuẩn bị con giống. Công tác tập huấn, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân cũng được triển khai sâu rộng tại các xã ven biển. Để đáp ứng nhu cầu nuôi, thả, lượng giống phải nhập từ các địa phương và các đơn vị khác sẽ chiếm tỷ lệ khá lớn, nên huyện tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc giống, nhằm hạn chế tình trạng nhập con giống không bảo đảm chất lượng. Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa cũng đã chuẩn bị các điều kiện để cung ứng hơn 30 triệu con tôm giống bảo đảm chất lượng cho nhân dân trong vùng nuôi thả.
Vụ xuân hè năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu nuôi trồng thủy sản hơn 18.000 ha nước ngọt và mặn, lợ tập trung chủ yếu ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương... với phương châm đa dạng các đối tượng nuôi nhằm hạn chế rủi ro, chú trọng đến một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, khuyến khích người dân phát triển diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Sau khi hoàn tất công tác cải tạo ao đầm, các hộ nuôi trồng thủy sản sẽ tập trung lấy nước, xử lý nguồn nước, nhập giống chuẩn bị thả nuôi theo đúng lịch thời vụ. Các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các hộ nuôi phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Thực hiện tốt công tác kiểm soát chất lượng các vật tư nuôi trồng thủy sản, nhất là chất lượng con giống, thức ăn, chất bổ sung thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường, hóa chất và thuốc thú y thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có hướng dẫn cụ thể công tác cải tạo ao đầm đối với từng đối tượng nuôi, khung thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2018. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt và mặn, lợ tập trung nuôi ươm con giống bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi thả cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh.