Theo đó, Chi cục Thú y phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc phòng, chống dịch, bệnh trên tôm, chuẩn bị vật tư, hóa chất để kịp thời hỗ trợ hoặc tổ chức xử lý mầm bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại và lây lan dịch bệnh... Đặc biệt, sớm tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang về việc thành lập Tổ kiểm soát tôm giống trên địa bàn huyện Tân Phú Đông trong thời gian vận chuyển và thả nuôi cao điểm của vụ nuôi tôm năm 2013.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản cần phối hợp với địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm, kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có các khuyến cáo phù hợp về mùa vụ, đối tượng thả nuôi (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) cho từng vùng nuôi tập trung.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện có nuôi tôm và Phòng Kinh tế thị xã Gò Công tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh cây trồng và vật nuôi huyện lập kế hoạch phòng, chống dịch, bệnh trên tôm nuôi và chỉ đạo các Trạm thú y, UBND xã theo dõi tình hình thả nuôi và dịch bệnh, thực hiện việc hỗ trợ hóa chất để xử lý mầm bệnh đạt hiệu quả, tránh lây lan...
Được biết, năm 2012, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nghề nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh hoành hành, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm với tổng diện tích bị thiệt hại trên tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh gần 928 ha, chiếm 30,8% tổng diện tích thả nuôi. Đa phần tôm bệnh chết là do hội chứng hoại tử gan tụy, đến nay chỉ mới bước đầu xác định được một số tác nhân gây bệnh.