“Hồi nào giờ sản xuất liên tục, muốn bảo hành, bảo trì phải làm đêm làm ngày, tự nhiên đợt này lại được nghỉ bất đắc dĩ”, chỉ tay vào “cỗ máy” xẻ thịt cá tra, ông Đệ cười gượng gạo, nói. Việt Phú có ba xưởng chế biến cá tra, công suất 50 – 60 tấn cá nguyên liệu/ngày, nhưng hơn một tuần nay 800 công nhân phải nghỉ việc.
Đồng loạt đóng cửa nhà máy
Chạy xe dọc theo tỉnh lộ 884 cập bờ sông Tiền, đoạn từ khu công nghiệp Mỹ Tho đến cụm tiểu thủ công nghiệp Bình Đức (Mỹ Tho, Tiền Giang), rồi qua khỏi cầu Sông Thuận (huyện Châu Thành), còn có hàng chục nhà máy cá tra cũng đang trong tình trạng đóng cửa im ỉm. Sát bên cạnh Việt Phú, bốn xưởng chế biến cá tra của nhà máy Hùng Vương cũng đóng cửa một tuần nay; An Phát (Gò Đàng), Sông Tiền, Hiệp Long, Đại Thành, Vinh Quang, Thiên Hà… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vợ chồng anh Khánh ở huyện Chợ Gạo, làm công nhân chế biến cá trong nhà máy Hùng Vương, cho biết họ nghỉ việc tròn một tuần nay. Ngày thường, thu nhập hai vợ chồng tròm trèm 400.000 đồng, nay nghỉ nhận 70% lương cơ bản chưa tới 200.000 đồng.
“Đợt này nghỉ một tuần, đợt sau nghe đâu dài hơn. Ngày làm ngày nghỉ, thu nhập teo tóp, cứ kiểu này thì sống sao cho đặng”, anh Khánh nói.
Ngày thường, vào các giờ tan ca, tỉnh lộ 884 kẹt cứng công nhân, nhưng những ngày này đường sá dường như rộng hơn. Chỉ tay vào quán càphê không một bóng người, bà Minh, chủ quán ở trước cổng công ty Đại Thành, rầu rĩ nói: “Quán ế ẩm lắm”. Bà Minh giải thích thêm, nhóm nhận nhiên liệu đi làm lúc 4 giờ sáng; khâu cấp đông đi làm 8 giờ. Dù sớm hay muộn, thì 2 giờ chiều là về rồi. Bà nói: “Vậy mà tan tầm, chú nhìn xem, đường sá, quán láng vắng tanh hết trụi”.
Lui về phía mé sông, hàng trăm chiếc ghe chở cá neo đậu san sát, im lìm. Ông Nguyễn Hoàng Thanh, một đầu nậu nắm trong tay 20 ghe chuyên chở cá thuê, cho hay các ghe bị mất việc mười ngày nay. Chỉ tay về dãy ghe ken đặc cả một khúc sông Tiền, ông Thanh nói hơn mười năm trong nghề chở cá thuê chưa chứng kiến cảnh này bao giờ. Thông thường, các ghe chở cá về là chuyển gấp vào nhà máy, rồi chạy về ao để kịp bốc chuyến mới. “Không chỉ Tiền Giang mà các nhà máy ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… cũng đóng cửa, nơi nào còn làm thì chỉ chạy cầm chừng, sản lượng cá chế biến còn phân nửa so với trước”, ông Thanh nói.
6 giờ chiều ngày cuối tuần giữa tháng 11, công nhân Nguyễn Văn Thống, nhà ở huyện Chợ Gạo, vẫn nhẫn nại bên chiếc xe gắn máy tìm kiếm khách xe ôm. Công việc định hình cá – một khâu trong chế biến cá tra của anh Thống bị gián đoạn hơn mười ngày nay nên anh phải tranh thủ làm vài cuốc xe ôm kiếm thêm tiền. Anh Thống nói bạn bè làm trong các nhà máy cá tra ở khu công nghiệp Mỹ Tho rất nhiều, nhưng hơn nửa tháng nay đều mất việc vì không có nguyên liệu để làm. Còn theo ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), khu công nghiệp Mỹ Tho đến cụm tiểu thủ công nghiệp Bình Đức (Mỹ Tho, Tiền Giang) có gần chục ngàn công nhân, năng lực chế biến của các nhà máy tại đây khoảng 800 – 1.000 tấn cá/ngày, nay thì tất cả đều ngưng hoạt động.
Công nhân nghỉ tết sớm
Toàn hệ thống nhà máy chế biến cá tra của công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương có khoảng hơn 9.000 công nhân, thời điểm này còn phân nửa có việc làm, còn lại hưởng lương trợ cấp. Nhà máy nào có khả năng nuôi cá, thì duy trì chính sách trả 70% lương cơ bản để giữ công nhân, số khác phải ngưng hoạt động, người lao động nghỉ dài hạn. Ở công ty Việt Phú, ông Trương Quang Đệ thừa nhận chỉ trả 100% lương cho đối tượng công nhân viên nhà máy, còn lại nhận phụ cấp 70% lương cơ bản.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Dương Ngọc Minh thừa nhận ngành cá tra đang lâm vào đợt suy thoái nguyên liệu trầm trọng. Nguyên nhân do cạn kiệt tín dụng. Hơn một năm nay từ người dân cho đến doanh nghiệp đều không còn tiền đầu tư. Do hụt nguyên liệu, hơn một nửa số nhà máy cá tra đóng cửa, số còn lại chỉ chạy 40 – 50% công suất.
“Ngành cá tra tạo việc làm cho khoảng 40.000 lao động. Với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu như hiện nay, tôi nghĩ có đến một nửa trong số này mất việc làm hoặc công việc không thường xuyên”, ông Minh nói.
Nhà máy đói nguyên liệu ngay trong thời điểm thị trường xuất khẩu cá tra đang ấm dần lại, còn công nhân cũng rất cần việc để có thêm thu nhập trang trải cuối năm, là một bất lợi lớn đối với ngành cá tra. Hậu quả này được dự báo từ cách nay nửa năm, khi đó Vasep nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cách chỉ đạo ngân hàng giải ngân vốn nhưng rốt cục tiền giải cứu vẫn chưa thấy đâu.
“Thời gian qua cứ hễ thấy người nuôi, nhà máy nào gặp chút khó khăn là ngân hàng bu vào thu hồi vốn chứ có cho giải ngân khoản mới đâu mà có tiền nuôi cá. Việc thiếu hụt cá là lẽ đương nhiên rồi”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bức xúc.