Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, trong mỗi vụ nuôi thủy sản, con giống tốt quyết định đến 50% sự thành công của vụ nuôi nhưng nông dân nuôi thủy sản thường có thói quen chọn giống bằng cảm quan và chọn những cơ sở sản xuất giống uy tín, chưa chú trọng đến việc bắt con giống của từng lô sản xuất đến các cơ quan chức năng xét nghiệm bệnh.
Đối với thức ăn thủy sản và thuốc thú y thủy sản, theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện tỉnh Tiền Giang có khoảng 100 cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản và thuốc thú y thủy sản với gần 1.000 loại sản phẩm được bán tại các cơ sở này. Bên cạnh đó, tình trạng công ty sản xuất thức ăn bổ sung, thuốc thú y thủy sản cho nhân viên trực tiếp xuống hộ nuôi thủy sản (không qua đại lý) điều trị và bán sản phẩm trực tiếp cho ao nuôi với chất lượng không rõ tốt xấu khiến cho người nuôi thủy sản lúng túng. Về phía cơ quan chức năng, rất khó kiểm tra, xử lý.
Trên thị trường hiện có nhiều loại thức ăn bổ sung, thuốc thú y thủy sản có tên sản phẩm gần giống nhau, công dụng cũng không khác nhau nhiều, thậm chí tên công ty cũng na ná nhau nên nông dân nuôi thủy sản không biết sản phẩm nào thật, sản phẩm nào giả, chất lượng có khác nhau không. Chỉ đến khi mua sản phẩm về sử dụng, thấy không hiệu quả mới biết là sản phẩm kém chất lượng, tiếp tục mua sản phẩm khác về sử dụng. Hiện tại, một số hộ nuôi tôm đang chuẩn bị thả giống vụ 2 trong năm nên ngay thời điểm này rất cần có những lựa chọn đúng về tôm giống, sản phẩm thức ăn bổ sung, thuốc thú y thủy sản để có khởi đầu tốt nhất cho vụ nuôi.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của người nuôi trồng thủy sản, Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang khuyến cáo: Người nuôi trồng thủy sản phải chọn tôm giống, thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản được sản xuất tại những cơ sở uy tín, lâu năm; có nhãn mác rõ ràng, không vì giá thấp mà chấp nhận mua hàng trôi nổi. Ngoài ra, đối với giống thủy sản cần có giấy chứng nhận kiểm dịch âm tính đối với các mầm bệnh nguy hiểm, còn đối với thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản cần phải nằm trong danh mục được phép lưu hành hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do cơ quan có thẩm quyền cấp. Về phía các cơ quan quản lý, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra vật tư nông nghiệp dùng trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, ngoài việc thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn có giao thông thuận lợi còn cần phải tiến hành thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh ở vùng sâu, ở các vùng nuôi, các hộ dân nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kém chất lượng tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng bằng cách bán hàng trực tiếp cho nông dân.
Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và yêu cầu quản lý, cũng như nhu cầu của người nuôi trồng thủy sản, việc kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản được ngành Nông nghiệp tỉnh xem là đặc biệt quan trọng. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do công tác tổ chức chưa ổn định, lực lượng thanh tra còn mỏng, chuyên môn chưa sâu do phải thực hiện kiêm nhiệm nhưng các cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chuyên môn được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả khá cao. Thời gian tới, các ngành chuyên môn sẽ tăng cường công tác thú y thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật xử lý dịch bệnh cho người nuôi thủy sản.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với các hộ nuôi trên cơ sở cung cấp giống và vật tư, kiểm soát chất lượng từ đầu vào để chủ động nguồn nguyên liệu sạch, an toàn thực phẩm.