Trăn trở với ngành Thủy sản
Để nắm vững về ngành Thủy sản của tỉnh, anh Đặng Toàn Vinh đã không ngại đến tận các đầm nuôi từ Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô đến Quảng Yên, Tiên Yên…, tiếp xúc với doanh nghiệp, hộ nông dân, tìm hiểu thực trạng phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản cũng như mong mỏi của bà con.
Một trong những khó khăn mà các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng gặp phải là dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nghiêm trọng nhất là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Sử dụng các chế phẩm sinh học vẫn đang là biện pháp phòng ngừa bệnh phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, giá thành của các sản phẩm này trên thị trường khá cao, chiếm đến 5% chi phí sản xuất. Đồng thời, sự bùng nổ các loại chế phẩm sinh học có men vi sinh Lactobacillus khiến cơ sở nuôi tôm khó xác định được loại sản phẩm nào thực sự chất lượng. Xuất phát từ thực tế đó, anh Vinh cùng đồng nghiệp tại Khoa Thủy sản đã tiến hành nghiên cứu phân lập từ ruột tôm nhằm xác định được loại men vi sinh có hiệu quả thực tế trong việc ức chế vi khuẩn Vibrio tại ao nuôi. Quan trọng hơn là giá thành phải thấp để mang lại lợi ích kinh tế.
Những thành quả bước đầu
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Đại học Hạ Long, anh Vinh cùng đồng nghiệp đã tạo ra loại chế phẩm sinh học có khả năng ức chế vi khuẩn có hại hiệu quả hơn các chế phẩm hiện có trên thị trường, đồng thời không gây phản ứng phản vệ cho tôm và giúp tăng tốc độ sinh trưởng thông qua cơ chế tăng khả năng chuyển hóa thức ăn. Hơn nữa, do tận dụng được nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kĩ thuật hiện có của trường, nên chi phí sản xuất được cắt giảm, giá thành sản phẩm thấp hơn so với sản phẩm nhập khẩu.
Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh cùng đồng nghiệp hướng dẫn sinh viên thực tế tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Hạ Long (huyện Hoành Bồ).
Điều đáng mừng là kết quả thử nghiệm ở hơn 10 doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã và đang đạt được kết quả hết sức khả quan. Anh Vinh đã trực tiếp đến các đầm tôm, hướng dẫn, làm mẫu cho doanh nghiệp và hộ nuôi các thao tác kĩ thuật để đảm bảo hiệu quả tốt nhất của chế phẩm sinh học. Kết quả, sản phẩm có khả năng ức chế gần 100% vi khuẩn có hại Vibrio parahaemolyticus và vi khuẩn Vibrio cholerae trong ao nuôi công nghiệp.
Anh Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên ), một trong những cơ sở áp dụng công nghệ chế phẩm sinh học của Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh, chia sẻ: Sau khi dùng 3 loại hóa chất diệt khuẩn khác nhau để xử lý nước đầu vào thì vi khuẩn gây bệnh Vibrio parahaemolyticus và Vibrio cholerae chỉ giảm được 70%, do đó hiệu quả không tuyệt đối, mầm bệnh trong nước luôn thường trực. Kể từ khi chúng tôi áp dụng tại một số ao dùng vi khuẩn có lợi Lactobacillus để kiểm soát vi khuẩn có hại ở ngưỡng an toàn, thấy kết quả rất khả quan. Hơn nữa, do được hướng dẫn về kỹ thuật nên việc nhân vi sinh được thực hiện trực tiếp ngay tại trang trại, tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn cũng giảm đi được hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hợp tác quốc tế và hướng đi cho tương lai
Những thành quả bước đầu và sự tin tưởng của người nuôi tôm đã tạo thêm động lực để anh Vinh cùng đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh vốn rất nhiều tiềm năng.
Áp dụng vi sinh Lactobacillus phân lập từ ruột tôm để ức chế vi khuẩn Vibrio tại Công ty CP Thủy sản Tân An, TX Quảng Yên.
Anh Vinh cho biết, trong thời gian tới, Khoa Thủy sản tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế với các trường đại học tại Mỹ, Úc, Singapore, đặc biệt là sự trao đổi trực tiếp, thường xuyên với Phó Giáo Sư Kirsten Benkendorff, Trường Southern Cross (Úc) và Phó Giáo Sư Matthew Sullivan, Trường Ohio State (Mỹ), những nhà khoa học uy tín thế giới trong lĩnh vực vi sinh và phân tích môi trường nước. Đồng thời các nghiên cứu của khoa vẫn gắn liền với doanh nghiệp địa phương như Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên), Công ty TNHH Sông Vàng (TX Đông Triều), Công ty CP Thủy sản Cát Phú Hải (TP Móng Cái)…
Cùng với đó, anh Vinh đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn sinh viên Khoa Thủy sản tiếp cận với môi trường làm việc thực tế để các em thêm yêu nghề và ý thức được vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển ngành Thủy sản của địa phương. Chương trình đào tạo tiên tiến, gắn lý thuyết với thực tiễn, cho phép sinh viên được tiếp xúc với các thiết bị hiện đại và tự tay tạo ra những sản phẩm nghiên cứu mang tính thực tiễn cao. Anh Vinh chia sẻ: “Bài toán nhân lực của ngành Thủy sản tỉnh chỉ có thể tìm được đáp án từ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của chính những giảng viên Khoa Thủy sản, Đại học Hạ Long và sự góp sức không mệt mỏi của những người ngày đêm gắn bó với đầm nuôi”.