Thời gian qua, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Tân Hưng có bước phát triển nhanh, đặc biệt là việc nuôi cá tra giống. Tổng số hộ nuôi cá tra giống trên địa bàn huyện tính đến thời điểm hiện nay là 1.037 hộ; diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi cá tra là 1.799,32ha. Tổng số hộ nuôi có lợi nhuận là 446 hộ, chiếm 43%, với tổng giá trị 178,21 tỉ đồng; số hộ nuôi hòa vốn 305 hộ, chiếm 29%; số hộ nuôi bị lỗ 286 hộ, chiếm 28%, giá trị 40,78 tỉ đồng.
Việc nuôi thủy sản trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn: Số hộ nuôi tự phát, không theo quy hoạch chiếm diện tích lớn (trên 1.600ha) gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước; giá cả không ổn định, người nuôi bị thua lỗ; chưa có đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm nên khi cá đến thời điểm thu hoạch thường bị thương lái ép giá; nguồn vốn ban đầu của một số hộ nuôi còn ít, nên khi bị thua lỗ không có vốn để tái sản xuất; các hộ nuôi không có ao lắng để xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra kênh làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất lúa xung quanh.
Về tiến độ thực hiện dự án nuôi thủy sản trên địa bàn huyện, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đầu tư diện tích 219ha ở xã Vĩnh Lợi và xã Vĩnh Châu A. Hiện nay, tiến độ thực hiện hoàn thành khối lượng đào ao 80%. Trong khu vực của dự án, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn còn cho nuôi thử nghiệm một số ao cá tra giống. Phía công ty cho biết, cá đang tăng trưởng tốt và phát triển ổn định. Bên cạnh, Công ty Gò Đàng cũng đầu tư diện tích 117,7ha ở xã Thạnh Hưng, hiện nay, công ty đang lập các thủ tục thỏa thuận địa điểm đầu tư theo quy định.
Lãnh đạo huyện cũng đề xuất một số vấn đề: Tỉnh cần bổ sung nghề nuôi cá tra giống vào danh mục dạy nghề của tỉnh; giới thiệu các đơn vị đến liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người nuôi; đề nghị tỉnh triển khai mô hình nuôi các tra giống ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện để nhân rộng;…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh chỉ đạo huyện Tân Hưng một số vấn đề: Huyện phải xác định vùng quy hoạch, định hướng để người dân chuyển đổi từ đất lúa sang cá tra bột theo vùng đã quy hoạch, Nhà nước sẽ hỗ trợ người nuôi thủy sản hệ thống cấp thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường; làm việc với các doanh nghiệp thu mua để gắn doanh nghiệp với người nông dân, qua đó, công ty phải hướng dẫn kỹ thuật nuôi và thu hoạch.
Huyện phải xây dựng tổ liên kết và hợp tác xã trong nuôi thủy sản để cử ra người đại diện làm việc với các doanh nghiệp; làm công tác tuyên truyền nhân dân cùng với doanh nghiệp, Nhà nước để thực hiện theo hướng dẫn; làm việc với ngân hàng trong công tác cho nông dân vay vốn ưu đãi để nuôi thủy sản, hạn chế người dân vay tiền bên ngoài với lãi suất cao.
Hiện nay, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đầu tư nuôi thủy sản thương phẩm tại Tân Hưng, huyện cũng cần yêu cầu công ty phải bảo đảm an toàn kỹ thuật, không để xảy ra ô nhiễm môi trường, đồng thời, làm việc với họ để ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương, ưu tiên thu mua cá tra giống có chất lượng của nông dân trên địa bàn huyện ương nuôi