Lúa cá tôm đều khó
Sự trồi sụt của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới khiến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam bị chững lại trong những tháng đầu năm 2013. Theo ông Huỳnh Thanh Quang, Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau, đa số doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, nợ lương, bảo hiểm của công nhân, hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động.
Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau đề nghị cần đưa ra gói vốn giải cứu con tôm, tăng hạn mức tín dụng thông qua ngân hàng thương mại có bảo lãnh của nhà nước, hoặc ngân hàng cử đại diện tham gia điều hành doanh nghiệp, đồng thời cần có chính sách đủ mạnh về thuế, vốn, mua lại cổ phần của doanh nghiệp đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng...
Theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND An Giang, thực tế hiện nay, cá tra Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nên cần xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm này. Từ 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thua lỗ do chính các doanh nghiệp Việt Nam phá giá, cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau, bán dưới giá thành sản xuất. Tại Đồng Tháp, theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh, thủy sản đông lạnh tăng 5% nhưng tồn kho 33.000 tấn, thức ăn thủy sản giảm 4,5% do diện tích nuôi đang giảm lại vì người nuôi thiếu vốn và sản xuất kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ.
Về thị trường lúa gạo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: So với cùng kỳ năm trước, gạo xuất khẩu thua cả về lượng và giá trị, đặc biệt giá gạo xuống thấp do các nước như Ấn Độ và Thái Lan sắp tới sẽ tạo sức ép lớn đối với gạo Việt Nam. 3 năm qua mỗi năm giá lúa giảm 1.000 đồng/kg khiến người dân khó khăn trong tái sản xuất. Chương trình thu mua tạm trữ vừa qua chỉ đẩy giá lên ở thời điểm đó, mang tính chất tình thế hơn là dài hạn.
Trước tình thế này, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL kiến nghị Bộ Công thương sớm có giải pháp quản lý nhà nước về sản xuất và xuất khẩu ngành thủy sản (tôm, cá tra), nhằm điều tiết thị trường, xây dựng thương hiệu để xuất khẩu, nhất là thị trường Mỹ; xem xét việc cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuận lợi, chấn chỉnh cơ chế thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo.
Cần thay đổi cách làm
Đối với ngành hàng lúa gạo, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định: Một công thức, phương thức làm ăn tiến bộ nhất, tồn tại đến một thời gian nào đó rồi sẽ lạc hậu. “Vậy mà một ngành hàng lớn như ngành lương thực của Việt Nam lại đang áp dụng cách làm của hơn 20 năm trước (mua đi bán lại sau khi đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho đối tác), không có gì thay đổi”. Phương thức xuất khẩu hiện nay vẫn làm theo kiểu bán chuyến, nghĩa là khi doanh nghiệp ký được hợp đồng với công ty hay nước nào đó, mới quay về mua gạo từ thương nhân trong nước và xuất bán theo hợp đồng đã ký.
Theo ông Nhị, với việc áp dụng cách làm cũ, doanh nghiệp rất ngại đầu tư hệ thống logistics (nhà kho, bến bãi, nhà máy, vùng nguyên liệu….), dẫn đến hậu quả là giá xuất khẩu gạo đi ngược lại với khối lượng bán ra, nông dân ngày càng nghèo hơn. Thực tế, so sánh giá xuất khẩu mỗi tấn gạo (cùng loại) trong vòng 5 năm trở lại đây giữa Việt Nam và Thái Lan, cho thấy mức chênh lệch giá bán ngày càng được nới rộng hơn.
Hiện tại, mức giá chênh lệch đối với loại gạo 5% tấm của Việt Nam đã thấp hơn Thái Lan đến khoảng 150 - 170 USD/tấn. Do vậy, muốn ngành lúa gạo phát triển tốt trong tương lai, nhất thiết phải xây dựng được một chiến lược cấp quốc gia về marketing ngành gạo.
Về mặt hàng cá tra, nhằm ổn định sản xuất cá tra sau phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về việc áp thuế bán phá giá cá tra philê đông lạnh của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khuyến cáo các doanh nghiệp và người nuôi cá tra bình tĩnh trước phán quyết của DOC; đồng thời kiên quyết xử lý những cá nhân và tổ chức lợi dụng phán quyết của DOC để trục lợi, đặc biệt là ép hạ giá mua cá tra nguyên liệu.
Hiện Bộ NN-PTNT đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức lại việc xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, bộ cũng đề nghị người nuôi cá cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ nuôi khi đã có hợp đồng tiêu thụ với nhà máy chế biến.
Để hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, theo dự thảo nghị định bổ sung Nghị định 75 về tín dụng xuất khẩu và tín dụng đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu sẽ được vay vốn tín dụng xuất khẩu, với lãi suất thường thấp hơn lãi suất cho vay thương mại. Mức cho vay tối đa bằng 85% tổng nhu cầu với thời hạn vay không quá 12 tháng. Tuy nhiên, để được vay vốn, doanh nghiệp phải có hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng bán thủy sản cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, có phương án nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu hiệu quả.