Thiệt hại nặng nề
Vụ nuôi năm nay gia đình anh Nguyễn Đức Khánh ở thôn Phụng Chánh, xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) thả nuôi gần 1,6 triệu con tôm giống xen với cá dìa trên diện tích 10ha ao nuôi. Sau gần 2 tháng thả nuôi, tôm của gia đình anh Khánh bị chết hàng loạt. “Đến thời điểm hiện tại không còn con tôm nào sống sót, hơn 200 triệu đồng gia đình tôi vay mượn đầu tư nuôi tôm đã bị mất trắng”- anh Khánh rầu rĩ.
Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Khánh là hàng loạt hộ dân khác ở xã Vinh Hưng. Tương tự, nhiều xã khác của huyện Phú Lộc như Vinh Giang, Lộc Trì, Lộc Điền, thị trấn Phú Lộc… cũng đã và đang xảy ra tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân bị đẩy vào cảnh thua lỗ nặng nề. Không chỉ tôm mà nhiều loại cá được người dân nhiều xã nuôi xen ghép với tôm cũng đang chết hàng loạt.
Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều xã thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà. Số liệu thống kê từ các xã cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 250ha tôm mắc dịch bệnh, chưa kể diện tích cá nuôi; trong đó có khoảng 220ha tôm sú, còn lại là tôm chân trắng.
Ông Trần Mười (thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền) dẫn chúng tôi ra chỗ những hồ tôm của gia đình vừa bị dịch bệnh tấn công với vẻ mặt thất thần. Vụ nuôi năm nay ông Mười đầu tư hơn 500 triệu đồng mua giống và thức ăn để nuôi hơn 1ha tôm sú nhưng tôm đã bị chết sạch. “Tôi dồn hết vốn liếng và phải vay mượn nhiều nơi mới có tiền đầu tư nuôi tôm, giờ mất cả chì lẫn chài, nợ nần ngập đầu”- ông Mười than thở.
Cần điều chỉnh cơ cấu giống, lịch nuôi
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế, nguyên nhân khiến tôm, cá nuôi tại các địa phương chết hàng loạt là do môi trường nước thay đổi bất thường cộng với nắng nóng kéo dài làm bùng phát các loại dịch bệnh. Trong đó, môi trường nước vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai đang thay đổi theo chiều hướng xấu khi ao hồ bị ngọt hóa kéo dài, độ mặn giảm xuống rất thấp.
Ông Phan Quang Anh Khôi- Trưởng phòng Quản lý thủy sản (Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, việc nước đầm phá ngọt hóa kéo dài, độ mặn giảm là do tác động của các hồ thủy điện, thủy lợi. Cụ thể, trong các đợt mưa lớn trong thời gian qua, các hồ chứa này dư nước nên xả nước về hạ du. Đây là nguyên nhân gây ra sự ngọt hóa, giảm độ mặn của vùng đầm phá.
Theo bà Lê Thanh An- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên- Huế, tình trạng tôm, cá nuôi mắc dịch bệnh năm nay nhiều hơn so với mọi năm. Bà An cho biết, việc vùng đầm phá Tam Giang bị ngọt hóa đã khiến thủy sản thả nuôi mắc nhiều bệnh môi trường. “Các loại cá dìa, cá kình vốn rất hiếm khi bị dịch bệnh, nhưng năm nay tình trạng ngọt hóa đã khiến nhiều diện tích nuôi các loại cá này bị thiệt hại”- bà An cho biết.
Để hạn chế tình trạng ngọt hóa vùng đầm phá Tam Giang, Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên- Huế đã yêu cầu các Nhà máy Thủy điện Hương Điền, Bình Điền điều chỉnh kế hoạch phát điện. Theo đó, từ 20.5 đến 30.6.2015 các thủy điện này phải giảm lưu lượng nước xả về hạ du. Sự điều chỉnh này sẽ giúp tăng độ mặn vùng đầm phá nhưng lại gây khó khăn cho công tác chống hạn, mặn trong vụ lúa hè thu. Vì vậy, để thủy sản thả nuôi không bị thiệt hại bởi thủy điện trong khi vẫn đảm bảo nước tưới cho lúa hè thu, vấn đề cần kíp hiện nay của Thừa Thiên- Huế là phải điều chỉnh cơ cấu giống, lịch thả nuôi và đầu tư các công trình hạ tầng thủy sản vùng nước lợ, mặn.
Các loại cá dìa, cá kình vốn rất hiếm khi bị dịch bệnh, nhưng năm nay tình trạng ngọt hóa đã khiến nhiều diện tích nuôi các loại cá này bị thiệt hại.