80% hộ nuôi có lãi
Những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi có chuyến công tác ở vùng đầm phá của huyện Phú Vang. Đang thu hoạch hồ tôm sú, anh Trần Văn Minh, ở xã Phú An (Phú Vang) phấn khởi: “Năm 2013, gia đình thả nuôi 1 ha, với gần 10 vạn con tôm giống. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, thu hoạch 1,2 tấn tôm thịt, bán với giá 140 ngàn đồng/kg. Năm nay tôm nuôi được mùa là nhờ bà con chấp hành nghiêm khung lịch thời vụ của ngành thuỷ sản, tôm nuôi trước lúc thả đều qua kiểm dịch bằng máy PCR. Khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh các hộ nuôi báo ngay với chính quyền địa phương và ngành chức năng có biện pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng”. Bên cạnh nuôi chuyên tôm, hình thức nuôi tôm sú xen cá kình, dìa cũng mang lại kết quả khả quan. Bình quân, mỗi ha nuôi xen ghép cho lãi từ 30-40 triệu đồng. Theo thống kê từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, vụ nuôi năm 2013 có khoảng 80% hộ nuôi có lãi, 10% hộ hòa vốn và 10% thua lỗ.
Thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình đã áp dụng mô hình nuôi tôm theo quy trình GAP, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay người dân biết tính toán hợp lý làm sao để không bị lỗ, hầu hết các chủ nuôi đều thu tỉa dần khi tôm và cá đủ kích cỡ và trọng lượng. Có năm, tôm nuôi đang sinh trưởng, phát triển tốt, đủ trọng lượng để thu hoạch nhưng không ít hộ cố để lớn hơn mới bán giá cao nhưng lại bị thua lỗ do thời tiết làm tôm chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi nước lợ, mặn gần 4.300 ha, đạt 100% so với kế hoạch năm. Đến thời điểm này, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch gần 2.000 tấn tôm; 677 tấn cá; trong đó, hơn 684 tấn tôm sú, tôm rảo. Năm nay, tôm nuôi được mùa cũng nhờ nhận thức của bà con được thay đổi, không xem con tôm sú là đối tượng nuôi chính mà thay vào đó là các đối tượng nuôi xen ghép như tôm, cua, cá ong, dìa, đối.... Trước vụ nuôi, chi cục thành lập đoàn kiểm tra một số cơ sở trọng điểm sản xuất giống và kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản được tốt hơn”.
Khó khăn còn lại
Hàng năm vào đầu vụ nuôi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo về khung lịch thời vụ, kỹ thuật để bà con áp dụng phù hợp với quy mô sản xuất hộ gia đình. Năm nay bà con thả giống ương nuôi ít gặp các đợt lạnh, tuy nhiên hiện tượng thời tiết nóng lạnh và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, tiếp đến các đợt nắng nóng trong tháng 4 và 5, bà con ngư dân đương đầu với nhiều khó khăn, trở ngại trong khâu cấp và thay nước. Quá trình nuôi, bơm nước trực tiếp vào ao nuôi làm tôm chết hàng loạt khiến nhiều người không dám lấy nước vào; trong lúc đó giai đoạn nắng nóng phải đảm bảo duy trì độ sâu trong ao nuôi và thích hợp với giai đoạn phát triển của tôm, vì vậy ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của tôm và các đối tượng nuôi khác.
Cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, dẫn đến hiệu quả nuôi không ổn định; nguồn giống không đảm bảo chất lượng, thị trường hạn chế, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra, vì vậy diện tích nuôi chuyên tôm sú chuyển dần sang nuôi xen ghép các đối tượng nước lợ. Đây là mô hình đầu tư thấp, ít xảy ra dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Năm nay, cá kình giống và cua giống tự nhiên xuất hiện nhiều nên bà con ngư dân ham thả nuôi với mật độ dày, nắng nóng dài ngày, các loại thức ăn tự nhiên, như rong câu ít phát triển, cá chậm lớn và có 135 ha nuôi xen ghép tôm, cá bị bệnh và chết hàng loạt, khiến hàng trăm hộ nuôi điêu đứng. Nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng chủ lực góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Do thời tiết khắc nghiệt, nguồn giống kém chất lượng, nhiều ao ngừng nuôi. Tính đến nay, diện tích nuôi tôm chân trắng 139,9 ha, đạt 40% kế hoạch năm và đạt 70,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Được biết, hiện bà con trên địa bàn tỉnh nuôi trồng thủy sản chỉ tiêu thụ thị trường nội địa, nhỏ lẻ, không ổn định, đầu vụ giá cao, giữa vụ và chính vụ thường bị ép giá 30-40%, dẫn đến các hộ nuôi thua lỗ và lãi không cao. Thiết nghĩ, để tránh trường hợp “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, các cơ quan ban ngành cần tạo sự liên kết giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp để sản phẩm của người dân làm ra có nơi tiêu thụ, đồng thời các doanh nghiệp không phải đi mua nguyên liệu từ ngoại tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị chế biến thuỷ sản, nhưng để đủ nguyên liệu sản xuất các công ty phải thu mua nguyên liệu từ các tỉnh phía Nam và Bắc.