Tổng kim ngạch hơn 7 tỷ USD
Theo đánh giá của Viện IPSARD, Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mức thặng dư thương mại ngày một gia tăng.
Theo đó, xét về các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực xuất vào TPP, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản (trong đó chủ yếu là tôm và cá tra) được dự báo sẽ là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với tổng kim ngạch đạt 7,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu từng mặt hàng.
Nếu như tỷ trọng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang TPP dự báo chiếm 57,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam thì tỷ trọng xuất khẩu tôm và cá tra sang TPP cũng được dự báo chiếm 55,7% và 35,6% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam.
Viện IPSARD cũng đưa ra nhận định nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đứng vào top 2 sẽ là các cây công nghiệp (cà phê, điều, tiêu, cao su). Nhưng gạo và rau quả lại được nhìn nhận là các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tương đối khiêm tốn.
Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Dân số của 12 quốc gia thành viên với khoảng 800 triệu người, chiếm khoảng 11% tổng dân số toàn cầu, lớn gấp đôi so với thị trường Liên minh Châu Âu (EU).
Tuy nhiên, đối với nông sản Việt Nam thì Hoa Kỳ và Nhật Bản được nhìn nhận sẽ là 2 đối tác thương mại lớn nhất tập trung vào các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản và cây công nghiệp. Ngoài 2 đối tác trên, đáng chú ý, Viện IPSARD đã đưa Malaysia vào diện là một bạn hàng lớn của Việt Nam trong hai sản phẩm gạo và cao su.
Điểm yếu ở khâu chế biến
Theo phân tích của Viện IPSARD cho thấy, về thủy sản, do hiện nay phần lớn mức thuế suất nhập khẩu của các nước TPP đối với các sản phẩm thủy sản ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế đã ở mức khá thấp (0-5%), trừ Mexico. Vì vậy, việc giảm thuế từ các cam kết TPP không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dư địa đối với các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao tại các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada.
“Vấn đề chính là hiện nay khâu chế biến thủy sản của Việt Nam còn rất yếu. Phần lớn các sản phẩm thủy sản vẫn ở dạng tươi sống, đông lạnh hoặc phơi khô. Thiếu các công nghệ tạo giá trị gia tăng cao như hun khói hay làm các chế phẩm sinh học. Do đó, để tận dụng được các dư địa thuế quan, Việt Nam cần phải đẩy mạnh công đoạn chế biến trong chuỗi giá trị thủy sản.”- ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện IPSARD nói.
Đối với mặt hàng rau quả, ông Tuấn cho rằng lợi ích từ việc giảm thuế suất nhập khẩu cuả các nước TPP đối với rau quả Việt Nam được kỳ vọng là khá lớn. Dư địa thuế quan đối với cả sản phẩm rau quả thô và chế biến của Việt Nam còn nhiều. Nhật Bản, Hoa Kỳ và Mexico là ba thị trường tiềm năng nhất cho sản phẩm rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
Còn đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Viện trưởng Tuấn cho biết, hiện nay trong các nước TPP, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản với hai loại sản phẩm chính là đồ gỗ nội thất và đồ gỗ ngoại thất. Mức thuế suất của hai nhóm sản phẩm này tại các thị trường lớn đều đã bằng 0%.
Vì vậy, tác động từ việc giảm thuế suất nhập khẩu theo cam kết của TPP cũng không có ý nghĩa nhiều với các sản phẩm gỗ này. Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là cần đảm bảo yếu tố nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu trong khối TPP với các sản phẩm đồ gỗ nội thất và ngoại thất xuất khẩu của Việt Nam.
Lãnh đạo Viện IPSARD khuyến nghị, đối với những sản phẩm có lợi thế xuất khẩu, cần thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại, xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư TPP với Việt Nam, giữa nhà đầu tư Việt Nam với các nước TPP để tìm kiếm các cơ hội hợp tác tận dụng các cơ hội của TPP mang lại, hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu và thương hiệu quốc gia của các nông sản Việt Nam.
“Tuy vậy, giải pháp chính vẫn phải là nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản Việt Nam, từng bước xây dựng các chuỗi giá trị hàng Việt Nam khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nhập khẩu. Trong một số trường hợp, các gói chính sách hỗ trợ khẩn cấp để đảm bảo ổn định tâm lý người dân cũng cần được tính đến.”- ông Tuấn nói.
Đang thiếu công nghệ tạo giá trị gia tăng
“Vấn đề chính là hiện nay khâu chế biến thủy sản của Việt Nam còn rất yếu. Phần lớn các sản phẩm thủy sản vẫn ở dạng tươi sống, đông lạnh hoặc phơi khô. Thiếu các công nghệ tạo giá trị gia tăng cao như hun khói hay làm các chế phẩm sinh học. Do đó, để tận dụng được các dư địa thuế quan, Việt Nam cần phải đẩy mạnh công đoạn chế biến trong chuỗi giá trị thủy sản”- ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện IPSARD.