Hiện ngành thủy sản mới xây dựng tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất sạch) cho tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra và áp dụng đối với hình thức ao nuôi; sắp tới sẽ xây dựng quy chuẩn cho các chủng loại thủy hải sản khác, hình thức nuôi trồng khác” - lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết như vậy tại hội thảo “Hợp tác và kết nối thị trường các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP” do Metro Cash & Carry Việt Nam tổ chức sáng 8-10 tại TP HCM.
Nông dân được lợi gì?
VietGAP là tiêu chuẩn về sản xuất sạch, hướng đến phát triển sản xuất bền vững, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, hạn chế dịch bệnh. Nhà phân phối có nguồn cung cấp sạch, truy xuất được nguồn gốc. Theo bà Lê Bảo Ngọc, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Chứng nhận & Giám định Vinacert, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP cho thủy hải sản, áp dụng đúng theo quy chuẩn sẽ tạo được thương hiệu đối với nhà nhập khẩu và giảm chi phí sản xuất. Thế nhưng, nếu VietGAP là tiêu chuẩn bắt buộc thì các hộ nuôi nhỏ lẻ làm cách nào để đáp ứng và được chứng nhận VietGAP?
Trong khi đó, số hộ nuôi nhỏ lẻ hiện chiếm số lượng không nhỏ. Ngoài ra, các nhà quản lý phải trả lời được câu hỏi của nông dân: Nếu áp dụng VietGAP thì giá bán sản phẩm có tăng hay không; có cam đoan sản phẩm VietGAP bán tại các siêu thị sẽ được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng hay không; tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu hướng đến phát triển thị trường nội địa thì giải pháp để hỗ trợ thị trường, quảng bá như thế nào...?
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Làm - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phụ trách phía Nam - cho biết nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải mua giống tốt giá đắt, nuôi trồng theo hướng dẫn của nhà khoa học, ghi chép nhật ký sản xuất, phải xin giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn... Các yếu tố này làm đội giá thành sản phẩm. Vấn đề là sản phẩm làm ra sẽ bán cho ai, bán như thế nào. Nếu không có đầu ra, phải đem sản phẩm VietGAP bán ngoài chợ thì làm sao để người tiêu dùng biết đó là sản phẩm đạt VietGAP và họ có chấp nhận trả giá cao hơn để mua không.
Trường hợp hàng VietGAP có chi phí sản xuất cao nhưng phải bán bằng giá hàng sản xuất theo phương pháp bình thường, nông dân thua lỗ thì chắc chắn sẽ buông VietGAP để trở về nuôi trồng theo phương pháp cũ. Ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, một số hộ nông dân đã đăng ký VietGAP rồi buông vì lý do này. Điều nông dân cần nhất là phải có cam kết ngay từ đầu của nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, của nông dân, doanh nghiệp mua hàng và cả nhà khoa học để bảo đảm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm để yên tâm đầu tư nuôi trồng. Ví dụ, Metro có thể đặt hàng 1 năm cần bao nhiêu tấn cá, loại gì, tiêu chuẩn ra sao và giao cho nông dân tổ chức liên kết sản xuất, cung ứng theo đơn đặt hàng.
Hướng đến sản xuất bền vững
Trả lời câu hỏi nuôi trồng theo VietGAP thì thủy hải sản có bán được giá cao hơn không, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản - cho rằng làm GAP để sản xuất bền vững hơn, mang lại lợi ích, cơ hội nhiều hơn cho chính nhà sản xuất. Khi sản xuất theo tiêu chuẩn GAP thì thị trường tiêu thụ sẽ rộng hơn. Hiện tại, có những thị trường chấp nhận mua sản phẩm sản xuất theo GAP với giá cao hơn, có thị trường không chấp nhận nên đòi hỏi phải làm kỹ khâu tiếp thị.
Hiện có rất nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, nhà sản xuất không nhất thiết phải có tất cả chứng nhận tiêu chuẩn đó mà tùy yêu cầu của người mua để đăng ký tiêu chuẩn phù hợp. Trong tương lai, việc hướng đến sự công nhận lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn là cần thiết. Ví dụ, nhà sản xuất đã có tiêu chuẩn VietGAP, cần chứng nhận Global GAP thì chỉ cần bổ sung những tiêu chuẩn mà VietGAP chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Hay như Metro Cash & Carry đã có tiêu chuẩn MetroGAP dành cho sản phẩm phân phối tại Metro thì có thể hòa hợp 2 tiêu chuẩn này theo hướng sản phẩm đạt VietGAP có thể phân phối ở Metro mà không cần có thêm MetroGAP.
Ở góc độ hội ngành nghề, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng áp dụng VietGAP là động lực để phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản. “Quá trình áp dụng VietGAP cần đơn giản hơn theo hướng là quy chuẩn bắt buộc, là yêu cầu tối thiểu cho sản xuất thủy hải sản, nếu không đáp ứng được nghĩa là sản xuất có vấn đề. Nói cách khác, Tổng cục Thủy sản sẽ dựa vào VietGAP như một quy chuẩn để quản lý. Với cách làm như hiện nay, mất nhiều thời gian để cấp chứng nhận cho các hộ nuôi trồng nên khó có thể xây dựng VietGAP một cách đại trà. Năm rồi, chỉ có 7-8 doanh nghiệp đăng ký xin chứng nhận VietGAP cho cá tra xuất khẩu nhưng chưa doanh nghiệp nào được cấp” - ông Hòe đề xuất.
Chi phí không cao
Theo giới chuyên môn, việc xây dựng VietGAP không làm đội giá thành sản phẩm mà ngược lại còn giúp tiết giảm chi phí. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Công ty CP Công nhận Việt Nam AoV, dẫn chứng nông dân Đà Lạt áp dụng VietGAP cho trồng rau 10 năm nay, kết quả là chi phí rẻ hơn nhiều so với trồng theo phương pháp thông thường vì tiết kiệm được chi phí phân bón, hóa chất... Tương tự, ông Philipe Bacac, Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam, cho biết kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các nhà cung ứng cho thấy sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn không làm đội chi phí lên và có được đầu ra ổn định. Hiện tại, Metro thu mua nông sản, thủy hải sản đạt tiêu chuẩn MetroGAP với giá tương đương giá thị trường nhưng bảo đảm đầu ra cho nhà cung cấp.