Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), VASEP đã biết thông tin Nhật sẽ kiểm tra 100% các lô tôm xuất khẩu của Việt Nam với chất nói trên nhưng chưa công bố vì cần phải kiểm tra lại thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu tôm và cơ quan có thẩm quyền là Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản.
Sau khi xác nhận thông tin, ngày 20-3 VASEP đã có công văn đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải tăng cường công tác tự kiểm soát các chất kháng sinh, nhất là chất Oxytetracyline.
Trước đó, vào cuối tháng 2, Nhật cũng bị phát hiện trong tôm của Việt Nam có chất chloramphenicol nhưng hiện phía Nhật chưa đưa ra thông báo về việc có kiểm tra 100% lô hàng với chất này hay không.
Trên thực tế, mấy năm qua, mặt hàng tôm xuất sang thị trường Nhật luôn bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Thông thường, lúc đầu, phía Nhật sẽ thông báo sẽ kiểm tra 30% lô hàng, sau đó nếu phát hiện số lượng lô hàng có chất cấm tiếp tục tăng thì sẽ nâng mức kiểm tra lên 100% lô hàng.
Trước đó, năm 2012 phía Nhật đã kiểm tra 100% lô hàng nhập từ Việt Nam với chất ethoxyquin, trifluralin… Đến tháng 5-2013, phía Nhật mới bỏ kiểm tra 100% chất trifluralin trong tôm.
Đối với chất, ethoxyquin, đến đầu tháng 2-2014, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã điều chỉnh giới hạn dư lượng tối đa đối với chất kháng sinh ethoxyquin từ 0,01 ppm (phần triệu) lên 0,2 ppm. Vì thế, doanh nghiệp thủy sản sẽ xuất khẩu dễ dàng hơn đối chất này. Nay doanh nghiệp lại bị vướng vào chất kháng sinh OTC.
Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), từ đầu năm đến nay đã có 10 doanh nghiệp có lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hoá chất, kháng sinh.