Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có gần 606.000ha đất ngập mặn ven biển, bao gồm trên 155.000ha RNM, gần 226.000ha đất ngập mặn ven biển không có RNM và 226.000ha đầm nuôi thủy sản nước mặn. Do người dân chưa hiểu hết giá trị nhiều mặt của hệ sinh thái RNM và vì lợi ích kinh tế trước mắt, hệ thống RNM của nước ta bị tàn phá nghiêm trọng để nuôi tôm.
Những năm qua, từ kinh phí của Nhà nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Oxfam, Trà Vinh đã trồng mới 6.744ha RNM, thế nhưng có đến 14.000ha RNM ở tỉnh này bị mất do nuôi tôm trong thời gian chưa tới 20 năm. Nghề nuôi tôm chỉ giúp nông dân làm giàu trong những năm đầu, về sau do nuôi với mật độ quá cao khiến môi trường sinh thái bị ô nhiễm, tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh.
Nhiều hộ lâm cảnh nợ nần chồng chất do cầm cố vay tiền ngân hàng để nuôi tôm.
Ông Mark Spalding, nhà khoa học thuộc Hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới cho biết, kết hợp hài hòa giữa việc giữ RNM và nuôi tôm là yếu tố sống còn, nhưng “bài toán khó” này không riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng chưa giải được. Thế giới có khoảng 181.000km2 RNM thuộc hơn 100 quốc gia. Một nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) vừa công bố cho biết, 1/5 (tương đương 35.000km2) diện tích RNM của thế giới đã biến mất kể từ năm 1980 đến nay. Lợi ích mà ngành nuôi tôm nước lợ, nước mặn mang lại khá lớn, khoảng 60 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng quá nhanh, ngành nuôi tôm đang đe dọa nghiêm trọng đến RNM.
Trên thực tế, nuôi tôm và trồng RNM có thể kết hợp với nhau. RNM là yếu tố trung hòa và tiêu hủy chất thải của khu nuôi tôm. Quỹ Công lý môi trường (EJF) cho biết, thay cho các hệ thống nuôi tôm thâm canh, nông dân nên áp dụng phương pháp nuôi tôm bền vững: cam kết sử dụng các loại hợp chất không độc hại thay thế cho các loại kháng sinh, đồng thời hạn chế dùng thức ăn công nghiệp, mà để cho tôm ăn các loại mùn hữu cơ tự nhiên do vi sinh vật, sinh vật, cây cổ và rễ cây dưới tán RNM.
Mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn theo hướng sinh thái, quảng canh được áp dụng thành công ở một số địa phương ven biển nước ta, mở ra hướng mới cho nghề nuôi tôm. Với 17.000ha nuôi tôm trong RNM, Cà Mau có diện tích nuôi tôm trong RNM lớn nhất nước và cũng là tỉnh có nhiều mô hình nuôi tôm rừng thành công. Nuôi tôm - cua kết hợp, tôm sinh thái (nửa diện tích trồng rừng, nửa diện tích nuôi tôm), nuôi trồng thủy sản trong RNM ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển cho hiệu quả bền vững, sản lượng tôm rừng đạt 250-320 kg/ha/năm. Ở 2 huyện này hiện có khoảng 1.200 hộ nuôi tôm sinh thái được công nhận.
Tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh), người dân cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng để trồng mới 300ha rừng trên diện tích nuôi tôm. Cùng với đó, áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái, 60% diện tích để trồng rừng đước, 40% diện tích còn lại thả nuôi tôm sú và các loại thủy sản khác như cua biển, cá chẽm… Do dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên, dưới tán rừng nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu chỉ mất tiền mua con giống, môi trường sinh thái ổn định, ít xảy ra dịch bệnh. Bình quân mỗi năm một gia đình nuôi tôm theo mô hình này thu lãi từ 80-100 triệu đồng.
Nuôi tôm rảo quảng canh cải tiến trong RNM ở Quảng Ninh cũng được xem là mô hình đem lại hiệu quả bền vững, thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, việc tiến hành trồng rừng theo tỷ lệ 70% diện tích RNM với 30% diện tích nuôi tôm sẽ góp phần nâng tỷ lệ cây sống lên tới 80%.
Ông Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam nhận định, trở ngại lớn nhất của mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn hiện nay là vấn đề xử lý mực nước. Người nuôi tôm vẫn giữ thói quen để mực nước trong đầm nuôi quá cao và thời gian giữ nước dài, ảnh hưởng không tốt đến cây rừng. Thực tế, nếu nước thông thoáng, thả mật độ ít, ao nuôi sẽ hiệu quả hơn. Những lá cây RNM rơi xuống sẽ làm tăng ấu trùng tôm, làm thức ăn cho tôm. Nuôi tôm theo mô hình sinh thái không nên thả con giống với mật độ dày, chỉ nên thả nuôi tôm với mật độ 3 con/m2. Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận cao, thả tôm dày thì những vụ sau tôm sẽ bị bệnh. Vì vậy, cần phải thay đổi nhận thức của các hộ nuôi tôm, bù lại việc năng suất và thu nhập thấp hơn, nghề nuôi tôm sẽ bền vững, ít rủi ro, giảm chi phí thức ăn cho tôm, tôm không bị dịch bệnh nên có thể nuôi lâu dài.
Theo ông Long, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm giữ RNM, thống nhất giữa lợi ích tổng thể của rừng, tôm và các loài khác. Cần gắn trách nhiệm của người nuôi tôm với bảo vệ và phát triển RNM, phải có cam kết trách nhiệm giao khoán cụ thể, khuyến cáo người dân hướng đến sản xuất bền vững, nếu cây rừng chết thì chủ đầm phải chịu.