Seafood Watch - tổ chức được bộ Thương mại Mỹ ủy quyền trong việc kiểm định, giám sát, đánh giá chất lượng thủy sản trước khi xuất khẩu vào thị trường này đang xếp hạng tôm Việt bằng màu đỏ. Các mức đánh giá tương ứng từ thấp đến cao gồm đỏ, vàng và xanh.
Ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Monterey Bay Aquarium từ Seafood Watch cho biết các đánh giá căn cứ vào nguồn nhập khẩu thủy sản theo thước đo tiêu chuẩn của tổ chức. Chứng nhận đạt chuẩn này phục vụ đối tượng là người tiêu dùng và mua hàng của thị trường Mỹ nên dù quốc gia hay doanh nghiệp, hộ nuôi tôm có mời hay không thì họ vẫn thực hiện.
"Ở Việt Nam nói chung dù có những tỉnh sẽ tốt nhưng với những gì đang có chúng tôi chưa thể căn cứ trên diện hẹp. Vì vậy đánh giá của Seafood Watch với tôm Việt hiện là màu đỏ", ông chia sẻ thông tin tại hội thảo "Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ" do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa tổ chức tại tỉnh Trà Vinh.
Mới đây, bà Cù Thị Lệ Thủy, Chuyên gia tư vấn của Monterey Bay Aquarium thực hiện đánh giá thử 50 hộ nuôi tôm quãng canh tại Cà Mau có đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn hay không. Kết quả cho thấy điểm yếu chính không chỉ ở vùng này mà ở các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ tại các tỉnh khác ở Việt Nam là truy xuất nguồn gốc và lưu giữ tư liệu quá trình nuôi tôm.
Vấn đề này đã được đưa vào Luật thủy sản mới của Việt Nam có hiệu lực ngày 1/1/2019. Trong đó có điều khoản là các hộ nuôi tôm đều phải lưu giữ những dữ liệu chứng từ về mặt truy xuất nguồn gốc, bao gồm cả cách sử dụng thức ăn như thế nào, con giống mua từ đâu và trong quá trình đó xử lý con giống như thế nào, cho ăn gì hay xử ý những loại hóa chất chăn nuôi ra sao. Theo bà, yêu cầu của Seafood Watch hay các tiêu chuẩn khác đều rất quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm.
"Tôi muốn nhấn mạnh điểm yếu của các hộ nuôi tôm Việt Nam bởi xét cho cùng dù con tôm tốt và xuất khẩu ra thị trường nào thì khi người ta hỏi nguồn gốc ở đâu, có bền vững hay không, trong quá trình nuôi xử lý như thế nào, dù nói được mà không có bằng chứng trên giấy tờ thì giá trị con tôm cũng giảm đi", bà giải thích.
Bà Cù Thị Lệ Thủy chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: T.S.
Thực tế này được đa phần người tham gia hội thảo nhìn nhận và tán đồng. Một đại diện từ huyện Duyên Hải đề xuất cần có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm siêu thâm canh, bảo vệ môi trường và có biện pháp xử lý chất thải. "Người nuôi tôm hiện quan tâm đến việc đạt năng suất trước khi nghĩ đến môi trường nhưng tôi nghĩ môi trường cũng rất quan trọng", ông bày tỏ.
Ông Trần Trung Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Minh, người có thâm niên bốn năm nuôi tôm cũng cho rằng thách thức hiện nay tại địa phương là tôm chưa sạch và kiến thức của bà con nông dân chưa cao.
Bà Nguyễn Thị Phương Chi, Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long - doanh nghiệp tiêu thụ chủ lực tôm từ các hộ nuôi ở Trà Vinh đồng tình với khó khăn là hộ nuôi trong khu vực thường nhỏ lẻ và khó kiểm soát lượng kháng sinh. Trong khi đó, các thị trường châu Âu, Mỹ đều quan tâm đến các chứng nhận môi trường.
"Công ty hiện có những vùng nuôi tôm đạt chuẩn nhưng Seafood Watch chưa được tiếp cận. Chúng tôi mong muốn làm sao hỗ trợ những hộ nuôi gia tăng nhận thức, biết được nên sử dụng kháng sinh ra sao và ngừng lúc nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng uy tín và lấy lại thị trường cung cấp", bà chia sẻ nguyên vọng của doanh nghiệp duy nhất ở tỉnh Trà Vinh tham gia mô hình chuỗi liên kết.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, phát triển chuỗi, lấy thị trường làm thước đo chính là giải pháp của phát triển bền vững. Các nhà giám sát trước đây chỉ tập trung vào các doanh nghiệp chế biến, xuất khấu, còn Seafood Watch lại đi sâu vào tất cả quy trình như con giống, cách nuôi, cung cấp thực phẩm ra sao... đó là chuỗi từ đầu đến cuối của con tôm.
"Chuỗi là khi tất cả các nhà tham gia sản xuất ra một sản phẩm cuối cùng cùng ngồi xuống để phối kết hợp trên tinh thần bình đẳng, trách nhiệm và hài hòa lợi ích để cùng nâng cao giá trị thương phẩm", ông chia sẻ.
Ông Josh Madeira cho rằng để tạo một chuỗi tôm sạch thì tất cả các bên phải tham gia, trong đó có vai trò của nhà nước, địa phương, doanh nghiệp chế biến, hộ nuôi... "Chúng tôi mong có cơ hội đưa người mua nước ngoài đến làm việc để xây dựng chuỗi giá trị bền vững đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường cao cấp".
Chuyên gia tư vấn Phan Vinh Quang từ Seafood Watch nhận định việc đánh giá cho cả khu vực khi đạt được sẽ mở ra cơ hội tốt hơn cho thị trường. Tuy nhiên, theo ông, đôi lúc sẽ xuất hiện tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" nên để hướng đến mục tiêu chung là Việt Nam đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm vào 2025, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tàu và chính quyền địa phương.
"Nếu tỉnh quyết tâm theo hướng phát triển bền vững, có cơ chế kiểm soát, có văn bản, hình thức để đảm bảo cho bà con nông dân, không có chỗ cho những người làm ăn không chân chính thì rủi ro con sâu sẽ giảm đi. Nếu không có sức mạnh của pháp luật và chính quyền địa phương thì rất khó đạt được", ông phân tích.
Các doanh nghiệp trao đổi cùng chuyên gia từ Seafood Watch với mong muốn đưa tôm Việt đến được thị trường Mỹ. Theo ông Josh Madeira, người Mỹ rất thích ăn tôm và nhu cầu về tôm của thị trường này ngày càng cao. Ảnh: T.S.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh nhận định mô hình chuỗi là sự tham gia của bốn bên gồm nông dân, nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp. Trong đó, nông dân và doanh nghiệp quan trọng nhất bởi nếu không có doanh nghiệp thì không làm được chuỗi. Tuy nhiên, thực tế, cả một tỉnh Trà Vinh chỉ có một nhà máy chế biến Cửu Long, vì vậy người nuôi tôm thường phải bán cho thương lái, vựa rồi mới đến được nhà máy chế biến. Do đó, tôm Trà Vinh lúc nào cũng có giá thấp hơn thị trường, nông dân chịu nhiều thiệt thòi.
Làm thế nào để các bên có thể kết nối, với sự hỗ trợ của Seafood Watch hình thành chuỗi tôm từ con giống, chế biến đến xuất khẩu ra thị trường là một bài toán. Theo ông Truyền, việc này gặp nhiều khó khăn không chỉ về mặt kỹ thuật, hạ tầng cơ sở mà còn từ ý chí của mỗi con người. "Tuy nhiên, dưới áp lực biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế, muốn phát triển bền vững và hiệu quả, thay vì mở rộng thì hãy tối ưu hóa ao tôm, nâng cao hiệu suất đầu tư và nuôi", ông chia sẻ.
Tham luận tại hội thảo cho thấy Trà Vinh có nghề nuôi tôm phát triển khá sớm, đến nay vẫn duy trì dù dối diện nhiều khó khăn về chất lượng con giống, môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá tôm thương phẩm, giá vật tư đầu vào, sản xuất nhỏ lẻ... Tuy nhiên, trong năm năm qua diện tích và sản lượng nuôi tôm của tỉnh vẫn tăng lần lượt 6,3% và 8,6% mỗi năm. Trong năm 2018, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của Trà Vinh là 32.600 ha với số lượng giống là 5,6 tỷ con và sản lượng thu hoạch 52.823 tấn.
Ông Truyền cho biết ngành tôm chi phối đến GDP của tỉnh nên rất được chú trọng. Sắp tới, Trà Vinh sẽ áp dụng rộng rãi phát triển liên kết sản xuất và đầu tư hạ tầng 10 tỷ đồng. Tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển công nghệ cao, ứng dụng 4.0 vào nuôi tôm và làm thế nào nông dân phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. "Điều này không thể trong ngày một ngày hai mà phải vận động, tuyên truyền từng bước để cải thiện dần, đưa cho người dân nhận thức muốn bán được tôm giá cao thì phải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu", ông nói.
Theo ông Josh Madeira, một khi có thể đạt được các tiêu chuẩn, nông dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều và điều này là khả thi. Ông lấy ví dụ trường hợp cua ghẹ Sri Lanka từng bị đánh giá ở mức đỏ. Tuy nhiên, sau khi có chương trình hợp tác với Seafood Watch, sản phẩm dần đạt tiêu chuẩn và chuyển màu. Ngay lập tức nhu cầu với cua ghẹ đó tăng lên và nhờ đó kéo theo giá trị cũng tăng lên.
Seafood Watch vừa làm việc với các doanh nghiệp lớn, vừa có kế hoạch tư vấn cho các hộ nuôi tôm thông qua các doanh nghiệp lớn để cải thiện phần nuôi. Đồng thời, họ có thể hợp tác và giới thiệu sản phẩm đến không chỉ những doanh nghiệp chế biến mà còn là những người mua ở các thị trường khó tính và đòi hỏi yêu cầu cao về tính bền vững với môi trường như Mỹ và châu Âu.
Ông Nguyễn Đức Tùng kỳ vọng trong 3-5 năm tới Trà Vinh sẽ là một trong những tỉnh được thị trường Mỹ cũng như châu Âu chấp nhận sản phẩm. Theo ông, nếu không tối ưu hóa diện tích nuôi tôm này bằng việc đầu tư, suy nghĩ và ứng dụng công nghệ nhiều hơn thì mô hình chuỗi là một trong những hướng giải quyết hữu hiệu nhất.
"Nhờ đó, chúng ta không phải trả giá cho việc phải xử lý ô nhiễm môi trường trong tương lai, thế hệ tiếp nối sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhiều hơn nữa với diện tích chưa khai thác tới", ông nói.