Hiệu quả của thông tư số 03?
Trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản liên tục cảnh báo hàng chục lượt tôm nhập khẩu Việt Nam có dư lượng kháng sinh Enrofloxacin quá mức cho phép và hàng bị buộc tái xuất về Việt Nam, khiến hình ảnh con tôm Việt Nam bị ảnh hưởng xấu trên thị trường thế giới.
Nhiều thị trường, trong đó có Nhật Bản có thể ngừng nhập khẩu tôm từ Việt Nam nếu tình trạng này không được cải thiện.
Tuy nhiên, một tháng sau khi thông tư số 03/2012/TT-BNNPTNT về việc bổ sung các chất Cypermethrin, Deltamethrin và Enrofloxacin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản có hiệu lực, tình hình đã được cải thiện một cách rõ rệt.
Trong tháng 3/2012, chỉ có duy nhất một lô tôm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bị trả về do phát hiện nhiễm Enrofloxacin.
Kết quả này đã phản ánh những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, người nuôi tôm và các cơ quan quản lý trong việc đẩy mạnh kiểm soát dư lượng các hóa chất và kháng sinh ở tôm nguyên liệu cũng như sản phẩm xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), không phải chờ đến khi quy định cấm sử dụng Enrofloxacin có hiệu lực từ ngày 1/3/2012 mà ngay từ giữa tháng 1/2012 - thời điểm ban hành thông tư số 03 và cả thời điểm trước đó, nhiều người nuôi tôm đã không sử dụng chất này do có sự khuyến cáo từ chính các doanh nghiệp thu mua tôm trong nước.
Vẫn cần phải thận trọng
Theo số liệu của VASEP, từ ngày 1/1 đến 15/3/2012, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 328 triệu đô la Mỹ, trong đó, Nhật Bản là vẫn là thị trường dẫn đầu. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản nói riêng, cũng như ngành tôm của Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, hiện nay, các cơ quan chức năng của Nhật kiểm tra rất gắt gao tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Sau khi kiểm tra mẫu thử tại các phòng thí nghiệm nếu phát hiện dư lượng Enrofloxacin, ngay lập tức hàng sẽ bị trả về cho dù có chứng thư của cơ quan thẩm quyền Việt Nam.
Nếu bị trả về, ngoài thiệt hại về kinh tế, doanh nghiệp và ngành tôm Việt Nam còn mất luôn cả uy tín khi bị nêu tên trong hệ thống cảnh báo của Nhật Bản. Do đó, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng khi xuất hàng sang Nhật Bản bởi sẽ rất khó lấy lại uy tín nếu một lần nữa chúng ta lại tự đánh mất đi hình ảnh của tôm Việt Nam trên thị trường này.