Đợt cao điểm hành động Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được Bộ NN và PTNT triển khai từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016. Theo tổng hợp của Bộ NN và PTNT, sau đợt cao điểm kiểm tra tại 35 tỉnh, thành phố, vi phạm về ATTP có dấu hiệu giảm dần. Các địa phương đã tổ chức hơn 1.400 hội nghị, hội thảo, tập huấn tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm cho hơn 35.000 người sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn hơn 2.780 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và đã có 2.225 cơ sở được chứng nhận áp dụng VietGAP, đạt 80%; hỗ trợ xây dựng được 280 chuỗi cung cứng nông thủy sản an toàn bày bán tại 329 cơ sở phân phối thực phẩm; cấp gần 20.000 tem sản phẩm an toàn cho các sản phẩm được xác nhận…
Từ đó, kết quả bước đầu đã ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông buôn bán và sử dụng chất cấm Salbutamol, vàng O trong chăn nuôi. Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau đã giảm 48%; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt đã giảm 73%; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 4%... Tuy nhiên, việc kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới tại các địa phương còn rất hạn chế. Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi tăng cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi đã đến mức báo động. Các điểm bán nông thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và được xác nhận sản phẩm an toàn còn ít; sự phối hợp giữa các ngành còn hạn chế, chưa chặt chẽ.
Phát biểu tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân gây hạn chế cho công tác quản lý chính là sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ giữa ba Bộ: Y tế, NN&PTNT và Công Thương, đề nghị cần có nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh về cơ chế phối hợp, giao rõ trách nhiệm, sau này nên tiến tới thống nhất chỉ một tổ chức quản lý. Các đại biểu cũng đề nghị thời gian tới, Bộ NN và PTNT và các ngành nên rà soát chế tài xử lý và tăng mức xử phạt đối với các đối tượng vi phạm; hoàn thiện, bổ sung cơ chế phối hợp; có chính sách riêng về xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm; quy định sản xuất an toàn thực phẩm theo cấp độ; giảm thiểu số lượng nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật.
Để tiếp tục ngăn chặn, xử lý dứt điểm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; giảm 10% tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản nuôi; ô nhiễm vi sinh trong thịt và tăng 10% cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ NN và PTNT đã ban hành kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, từ ngày 1/3/2016 - 31/12/2016, các Bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, phát luật; thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; hỗ trợ kết nối sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, với sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp cùng với sự phối hợp tích cực của các ngành các cấp từ Trung ương tới địa phương, đợt cao điểm hành động Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã cơ bản đạt được các mục tiêu hành động. Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp và các địa phương khi xây dựng kế hoạch cần chọn ra các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm trong đó chú trọng kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; lạm dụng thuốc bảo vệ, bảo quản thực vật. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể với các cơ quan truyền thông để đưa thông tin kịp thời chính xác nhất phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả đường dây nóng để người dân thông tin về các sai phạm hàng ngày trên thị trường và trong đời sống. Cùng với đó, các địa phương cũng cần cởi mở, hợp tác thông tin về những cơ sở vi phạm ATTP.