Tôm bệnh gan tuy hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân. Ảnh minh họa
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh cho biết, tại địa bàn huyện Cầu Ngang diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lên gần 2000 ha. Riêng xã Mỹ Long Nam, trên 90% diện tích tôm nuôi bị chết, với trên 125 triệu con giống, ước thiệt hại lên đến 350 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, từ đầu vụ đến nay, nông dân ở các vùng nuôi tôm trong tỉnh đã thả nuôi 1,5 tỷ con tôm sú, trên diện tích 19.400 ha; đã có hơn 400 triệu con tôm sú thả nuôi trên diện tích 3.500 ha tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành bị chết; ước thiệt hại hơn 400 tỷ đồng, tăng thêm 100 tỷ so 2 ngày trước.Tôm chết giai đoạn từ 15 – 45 ngày tuổi, chủ yếu nhiễm bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng.
UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kết hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT), Trường Đại học Cần Thơ sớm tìm ra nguyên nhân tôm chết; tăng cường cán bộ KHKT xuống cở sở khuyến cáo nông dân cải tạo lại ao hồ, lùi thời gian thả giống sang tháng 5, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh lây lan.