Tôm thẻ chân trắng “lên hương”...
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh hiện đã có trên 2.100 hộ thả nuôi 588 triệu con giống tôm TCT trên diện tích hơn 1.190ha, sản lượng thu hoạch khoảng 1.400 tấn tôm thương phẩm. So cùng thời điểm vụ nuôi năm 2012, diện tích tăng 12 lần, con giống tăng 12,3 lần, sản lượng tăng 34,6 lần. Diện tích nuôi tôm TCT tăng mạnh do thời gian qua, dịch bệnh liên tục hoành hành khiến người nuôi tôm sú điêu đứng. Đối với tôm sú, trước đây dịch bệnh xuất hiện ở giai đoạn từ 2 - 2,5 tháng tuổi người nuôi coi như mất trắng, ngược lại đối với tôm TCT thì bà con vẫn có lãi.
Anh Trần Văn Nam (xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang) cho biết, gia đình anh nuôi tôm sú đã 7 năm, 2 vụ gần đây tôm chết sạch do dịch bệnh. Thực hiện theo khuyến cáo của ngành NNPTNT, anh Nam chuyển sang thả nuôi hơn 500.000 con giống tôm TCT trên 4 ao (tổng diện tích trên 10ha). Sau khoảng 3 tháng, anh Vinh đã thu hoạch toàn bộ các ao tôm TCT, sản lượng đạt trên 10 tấn tôm thương phẩm, thu về hàng trăm triệu đồng. Anh Nam phấn khởi cho biết: “Vụ tôm sú năm rồi, gia đình tui không chỉ mất trắng mà còn thua lỗ nặng, năm nay nhờ tôm TCT mà lấy lại được những gì đã mất”. Cũng theo anh Nam, rất nhiều bà con xung quanh đang chuyển từ tôm sú sang nuôi tôm TCT. Tuy nhiều hộ lần đầu tiên thả nuôi, nhưng kết quả rất khả quan. “Tôm TCT trong giai đoạn từ 2 tháng tuổi trở lên, nếu không may gặp phải dịch bệnh thì ít nhất mình cũng huề vốn, còn nuôi tôm sú chắc chắn lỗ 100%. Nuôi tôm TCT giá thành cũng rẻ hơn, thu nhập cũng khá lý tưởng!”. Còn anh Cao Hữu Hiền (ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) sau khi học hỏi và tìm hiểu quy trình khoa học kỹ thuật nuôi tôm TCT đã gom hết vốn liếng mua thêm máy móc, các trang thiết bị khác để chuyển toàn bộ 6 ao (4ha) nuôi tôm sú sang nuôi tôm TCT. Anh Hiệp cho biết: “Do nuôi tôm thẻ mật độ cao, thời gian thả nuôi ngắn hơn tôm sú, giá bán ra tương đối cao. So với tôm sú, tôm TCT cho lợi nhuận cao hơn”.
Tín hiệu lạc quan
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Trà Vinh đã có 480 triệu con giống tôm sú bị thiệt hại do dịch bệnh hoại tử gan tuỵ và bệnh đốm trắng, chiếm 24% con giống đã thả nuôi trên diện tích 4.921ha. Còn tôm TCT cũng bị thiệt hại 155 triệu con giống, chiếm 21,6% con giống đã thả nuôi trên diện tích 339ha. Mặc dù một số diện tích nuôi tôm TCT cũng bị nhiễm các loại bệnh và gây thiệt hại cho người nuôi, nhưng bà con vẫn có thể thu hoạch được tôm thương phẩm. Ông Dương Văn Đởm - Quyền Trưởng phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang - cho hay: Theo kế hoạch, năm 2013 huyện sẽ chuyển đổi khoảng 30% diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm TCT. Dù tôm TCT cũng bị chết nhiều, nhưng việc thả nuôi của bà con đã dần ổn định. Đến thời điểm này, tỷ lệ thiệt hại của tôm sú trên địa bàn huyện là 53%, còn tôm TCT chỉ 27% cho thấy nuôi tôm TCT ít rủi ro hơn so với tôm sú.
Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo ngành chức năng xây dựng mô hình thử nghiệm ứng dụng công nghệ nano trong nuôi tôm TCT với tổng kinh phí thực hiện trên 1,54 tỉ đồng. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng mô hình nuôi tôm TCT kết hợp nano bạc để xử lý môi trường và phòng bệnh trong quá trình nuôi với quy mô 6 ao (tổng diện tích 22.000m2). Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc ứng dụng công nghệ nano trong kỹ thuật nuôi tôm TCT quy mô công nghiệp sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Từ mô hình thí điểm này, các ngành chức năng đánh giá thực tiễn, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình cho nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh...