Trắng đêm tìm nha

Trăng 12 lờ mờ trên đầu, tại chòi tôm của anh Năm Dũng, anh Đặng Văn Tây (tổ 13, ấp Qưới Thạnh, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đốt một đống lửa nhỏ nướng những con nha (một loại cua nước lợ, dân miệt Cà Mau gọi là ba khía) vừa bắt được để chúng tôi thưởng thức trong khi chờ con nước vừa chớm lớn cho một đêm thức trắng tìm nha. “Trong tháng, nha có 2 đợt hội: đợt thứ nhất là ngày 30 và 1, đợt thứ hai là ngày 16 và 17. Vào những ngày nha hội, tui bắt được gấp đôi ngày thường” - anh Tây cho biết.

soi nha
Anh Tây ngồi trên mũi xuồng, dùng 2 chân thay chèo để soi nha

Đồ nghề mà anh Tây chuẩn bị cho chuyến soi nha hôm nay gồm: 1 chiếc đèn pin mang trên đầu, một chiếc can nhựa cắt miệng, một cái bao bằng lưới cá và vài gia vị để khi bắt được những con nha lớn, nhóm lửa nướng thưởng thức lúc giải lao giữa bốn bề sông nước và vi vo tiếng muỗi kêu.

Trải nghiệm

Sau bữa cơm chiều căng bụng, chờ khi trời chạng vạng, anh Tây mới dẫn chúng tôi vào các bãi dừa nước để soi nha. Gửi xe máy tại chòi tôm ông Năm Hùng, chúng tôi bắt đầu nếm trải những khổ cực đầu tiên của người bắt nha như anh Tây bằng những bước thấp bước cao trên những triền đê bao, bờ ruộng và bì bõm lội bùn đạp trên vô số những bụi gai ô rô, chúm lé được bảo hộ bởi đôi giày vải “đặc chủng” của người đi bắt nha giá 40 ngàn đồng/đôi. “Giờ này nước đang ròng nên tui phải xách thùng lội bộ dọc theo các bãi dừa nước để soi nha. Thời điểm này nha rời hang ra mé nước để kiếm ăn, nghỉ ngơi nên tui phải tranh thủ soi ” - anh Tây giải thích.

Để giúp chúng tôi không bị gai, ô rô, chúm lé cào chích da thịt, anh Tây đưa ra 2 phương án: Một là chúng tôi men theo các bờ ruộng khô mà đi, khi nào đi không được thì ngồi trên bờ chờ anh. Hai là cứ bám theo các mé nước sau lưng anh mà đi. “Khi đạp phải gai chúm lé, phải dùng phân gà sáp bôi lên vết ung mủ. Làm như vậy, đầu gai mới chịu bung ra và vết thương mới hết đau nhức” - anh Tây nhẹ nhàng đưa bàn tay chụp con nha thứ 10 bỏ vào thùng kêu cái cộp, nói.

Anh Tây (bìa phải) nhóm lửa nướng nha cho chúng tôi thưởng thức.
Anh Tây (bìa phải) nhóm lửa nướng nha cho chúng tôi thưởng thức.

10 năm đi soi nha càng làm cho bước chân anh Tây thêm nhẹ nhàng khi đi dưới lớp bùn nhão và ánh mắt dù thiếu ngủ, nhưng sáng quắc lia theo ánh đèn trong đêm, soi khắp các bờ kênh, bãi bồi Nhơn Trạch tìm nha. “Một đêm tui soi được 6-7 ký nha. Mỗi ký bỏ mối cho các bà bán bún ngoài chợ xã được 20 ngàn đồng. Trong tháng có 4 ngày nha vào hội thì tui soi được 15-20 kg. Không phải nha nhiều là bắt nhiều, bán được nhiều tiền mà tui chỉ dám bắt vừa đủ số lượng nha mà các mối đã dặn trong ngày. Đó chính là lý do tại sao hiện chỉ có 7 người bắt nha mưu sinh chuyên nghiệp như tui ở vùng nước lợ Nhơn Trạch này” - anh Tây bỏ con nha đầy trứng vào thùng, tỉ tê. Rồi anh cùng chúng tôi băng qua bờ kênh bên trái, soi theo hướng ngược lại. 22 giờ 30, chúng tôi về đến trại tôm ông Năm Dũng thì con nước 12-8 âm lịch vừa chớm lớn. Anh Tây nhóm lửa nhỏ nướng những con nha to để trợ sức cho chúng tôi, trước khi xuống xuồng bắt đầu chuyến soi nha đến sáng.

Chuyện tình 2.200 đêm

Bên đống lửa mù khói dưới nền đất sền sệt nước ngoài sân chòi tôm anh Năm Dũng, những con nha to hơn 2 ngón tay được nướng vàng ươm, dọn tạm bợ trên tấm lót xuồng. Qua vài ly rượu đế, anh Tây mở lòng nhanh khi kể về cuộc đời mình, về những chuyến soi nha thâu đêm khi vợ trên gường bệnh. “27 tuổi tui mới lấy vợ. Lấy vợ xong tui vẫn còn đi chăn trâu tháng cho người ta. Rồi vợ sinh con, tui thấy công việc chăn trâu công thấp quá, không đủ nuôi vợ con. Vì vậy, tui mới xin nghỉ làm và chuyển sang nghề soi nha đến nay. Khi vợ tui sinh đứa thứ 2 thì phát hiện thận bị ứ nước độ 2. Khi con đã cứng cáp thì vợ tui lên bàn mổ lần thứ nhất, lần thứ 2, thứ 3, thứ 4 vẫn không khỏi. Suốt 6 năm nay, vợ tui phải đeo ống lọc nước trong người. Hàng tháng đón xe lên TP.Hồ Chí Minh thay ống, mua thuốc một lần hết 2,2 triệu đồng. Để có tiền nuôi vợ bệnh, con ăn học và trả nợ, 6 năm qua, đêm nào tui cũng có mặt ngoài đồng để soi nha. Vậy mà nghèo vẫn nghèo, nợ cũ chồng nợ mới lên đến 160 triệu đồng, không có cách nào trả nổi” - anh Tây trải lòng.

vá lưới
Anh Tây cùng vợ vá lại giàn lưới được anh mang theo trong những chuyến soi đêm để kiếm thêm cua, cá về bán.

Bỗng dưng chúng tôi thấy nghèn ngẹn, đắng ngắt khi nhấp ly rượu thứ 6 giữa tiếng muỗi vo ve, tiếng chim ruột kêu đêm não nề khi nhẩm tính thay anh. Một đêm nha không hội, anh Tây chỉ thu nhập được 120-140 ngàn đồng. Số tiền trên gói ghém ra sao cho ấm bụng 4 con người trong nhà. Không đợi đến ly thứ 7, chúng tôi giục anh dập đám lửa để tiếp tục chuyến soi nha bằng xuồng khi con nước đã sớm lớn. “Đêm nay tui dẫn các anh đi theo hướng rạch Bà Thiện, rồi sang rạch Bà Tổng, ngọn Cá Nóc soi đó. Dù suốt đêm có mặt ngoài đồng, nhưng lòng tui luôn lo lắng cho vợ ở nhà, mong đừng xảy ra chuyện gì hết” - anh Tây vừa dập lửa, vừa nhìn đồng hồ và nói.

Chúng tôi yên vị trên xuồng, anh Tây ngồi trên đầu mũi, hai chân đạp nước thay mái dầm, đôi tay thì lần theo những bẹ dừa nước, lia ánh đèn tìm nha. Chỉ được nửa giờ ngồi xuồng, anh bạn đồng nghiệp đi cùng đã nằm vật ra trên 2 tấm lót xuồng ngủ vùi, mặc cho muỗi vo ve khắp người. Anh Tây kể đã dẫn rất nhiều người đi soi nha như chúng tôi. Tuy vậy, họ đi để được tận hưởng cảm giác nhậu nha nơi đồng vắng, đêm khuya, chứ không quan tâm tìm hiểu sự nhọc nhằn của người đi soi nha như chúng tôi nên say rượu ngủ sớm. Những lúc ấy, anh tiễn họ ra về và từ chối những đồng tiền thù lao hậu hĩnh. “Bạn bè thích vui thì mình chiều họ một lúc cho tâm hồn thư thái, chứ có người đi theo vướng tay vướng chân lắm. Hơn nữa, hàng đêm mà tui không bắt đủ số lượng nha bỏ mối cho các bà bán bún riêu thì mất mối làm ăn ngay. Vì nha bắt được nhiều mà không có mối tiêu thụ thì cũng chỉ để ăn mà thôi” - anh Tây dừng soi, châm điếu thuốc lá rít một hơi thật dài và nói.

Càng về đêm, con nha càng nhát đèn, khó bắt. Tuy vậy, anh Tây vẫn cần mẫn ngồi trên mũi xuồng men theo các bãi dừa lia ánh đèn soi tìm kiếm hết rạch Bà Hương đến rạch Bà Tổng, ngọn Cá Nóc rồi mới chịu quay mũi xuồng soi ngược về khi đồng hồ điểm 3 giờ sáng. “Thời điểm nha xuất hiện nhiều trong đêm bắt đầu từ 19-22 giờ. Sau đó, chúng bắt đầu xuất hiện nhiều trở lại lúc 4 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Giờ tui đã soi được 5 ký rồi, khi quay về phải trên 8 ký, sẽ có chút đỉnh tặng các anh làm quà” - anh Tây nói trong niềm vui khi được về nhà gặp vợ con, vì cả hai lúc nào cũng luôn lo lắng cho nhau. Riêng chúng tôi thì ngáp ngắn ngáp dài bấm vài kiểu ảnh để động viên anh, đồng thời chống lại cơn thèm ngủ của chính mình...

Anh Nguyễn Hồng Quang, người soi nha mà chúng tôi gặp tại rạch Bà Tổng, cho hay nha ở Nhơn Trạch nhỏ hơn ở rừng ngập mặn Cần Giờ. Chính vì vậy, người ta thu gom nha ở đây, ướp lạnh rồi chở ngược về vùng Cà Mau để xuất khẩu. “Giá nha được các chủ vựa Sài Gòn mua lên xuống thất thường. Hiện nay họ chỉ mua với giá 17 ngàn đồng/kg. Nhưng có khi nha hiếm họ thu gom với giá 30-35 ngàn đồng/kg” - anh Quang cho biết.

Báo Đồng Nai/Bảo vệ pháp luật
Đăng ngày 30/09/2013
Đánh bắt

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 10:17 25/11/2024

Đồng Nai kiên quyết dẹp ngư cụ cấm và đánh bắt tự diệt

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm dẹp bỏ ngư cụ cấm và các hình thức đánh bắt kiểu “tự diệt”.

Người dân
• 09:34 01/11/2024

“Lộc trời” sau bão Trà Mi: Người dân Đà Nẵng đón nhận món quà từ biển

Bão Trà Mi qua đi đã để lại những “món quà” bất ngờ cho người dân Đà Nẵng, khi dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành được phủ kín bởi vẹm xanh, sò huyết, chíp chíp, và nhiều loại hải sản khác.

Vẹm xanh
• 10:33 31/10/2024

Người dân thất thoát trước quy định mới về đánh bắt cá ngừ

Nhiều ngư dân Việt Nam đang gặp khó khăn trước các quy định mới về kích thước tối thiểu khi khai thác cá ngừ vằn. Cụ thể, theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP, cá ngừ vằn chỉ được phép khai thác nếu đạt chiều dài từ 50cm trở lên. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhưng lại gây thiệt hại lớn cho ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Cá ngừ
• 14:13 22/10/2024

Chính thức mở bán: "Thực hành Chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản"

Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang cần giải pháp thực tế để vượt qua thách thức cần đối mặt để đạt được sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lúc này.

Sách Thực hành chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản
• 08:00 26/11/2024

Hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là một vấn đề quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Kháng sinh
• 08:00 26/11/2024

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 08:00 26/11/2024

Tạo rào cản cho vi khuẩn hạn chế xâm nhập vào tôm

Một trong những thách thức lớn nhất mà người nuôi phải đối mặt là các bệnh do vi khuẩn gây ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của tôm.

Tôm thẻ
• 08:00 26/11/2024

Xuất khẩu một tháng trở lại tỷ đô sau 27 tháng

Tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là lần đầu tiên sau 27 tháng kể từ tháng 6/2022 đã trở lại mức tỷ đô một tháng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái với các mặt hàng chủ lực và các thị trường chính đều tăng.

Tôm thẻ
• 08:00 26/11/2024
Some text some message..