Ruộng lúa của gia đình ông Trần Văn Quy (ấp Bình Phú, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) bị chết khô.
Ngày 1.5, gia đình ông Trần Văn Quy (ấp Bình Phú (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết hơn 10 công lúa (1ha) của gia đình ông đang trỗ bông nhưng mấy ngày qua chết gần một nửa do nhiễm nước mặn.
Ông Quy than thở: "Mấy năm gần đây, người ta dẫn nước mặn vào sâu trong đồng khiến các con kênh không có nước nên nông dân trồng lúa bị chết khô!”. Gần đó gia đình ông Trần Văn Đoạn, có 11 công đất trồng lúa đã bỏ hoang vì nước quá mặn.
Theo phản ánh của bà con, vùng này trước đây làm ruộng rất tốt, nhất là từ khi đập Kinh Ngang hoàn thành thì vùng đất này cơ bản đã được ngọt hóa do lấy nước ngọt từ sông Ba Lai vào. Thế nhưng, sau đó một số người đã dẫn nước mặn vào sâu trong đồng để nuôi tôm khiến cánh đồng lúa rộng hàng trăm ha trù phú ngày nào bây giờ trở thành cánh đồng hoang bởi nước mặn chát từ trong lẫn ngoài.
Khu vực bị nặng nhất là ấp Bình Phú, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại (Bến Tre). Những hộ dân nơi đây xuống giống lúa đều bị thiệt hại nặng nề nên nhiều hộ phải bỏ ruộng cho cỏ mọc hoang để đi làm thuê, làm mướn kiếm sống...
Liên tục trong thời gian qua, việc tranh chấp mặn - ngọt thường xuyên xảy ra giữa nông dân trồng lúa huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) và người nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu. Nước mặn ngày càng nhiều làm cho cây lúa chết khô trên đồng.
Theo các cơ quan chuyên môn tỉnh Sóc Trăng, độ mặn đo được rất cao, có lúc lên đến 21%0 khiến rất nhiều nông dân trồng lúa như ngồi trên lửa! Hiện tại, rất nhiều diện tích lúa thiếu nước tưới nhưng nông dân cũng không dám bơm nước từ ngoài kênh vào vì độ mặn đã rất cao. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu tình hình không cải thiện và trời không mưa thì nguy cơ lúa chết khô là rất lớn.
Nếu như năm 2011 có 5 đợt mặn tràn vào các con sông trên địa bàn huyện thì chỉ 4 tháng đầu năm nay đã có đến 6 đợt mặn làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của bà con.
Thông tin từ Phòng NNPTNT huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) cho thấy, hiện tại 14.000ha lúa hè thu đang đối mặt với nguy cơ bị nhiễm mặn và thiệt hại nặng. Nguyên nhân chính là do nhu cầu lấy nước mặn vào nuôi tôm ở vùng giáp ranh giữa Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ngã Năm cho biết, mấy ngày qua, nước mặn đã xâm nhập vào tận thị trấn Ngã Năm, độ mặn cao nhất lên đến 9,6%0. Trước tình hình này, địa phương đã đóng kín 9 cống ngăn mặn tại đầu các kênh để ngăn mặn từ Bạc Liêu xâm nhập vào và giữ ngọt cho các vùng trồng lúa. Tuy nhiên, nếu người nuôi tôm từ phía Bạc Liêu tiếp tục lấy nước mặn vào nuôi tôm thì 9 cống ngăn mặn trên cũng sẽ không phát huy hiệu quả.
Nhiều bà con trong vùng đề xuất lãnh đạo 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liệu cần có cuộc họp để đi đến thống nhất về thời gian xả cống lấy nước mặn để tránh thiệt hại cho người trồng lúa, nhất là vào thời điểm mùa khô như hiện nay.