Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản được Thủ tướng Chính phủ kí ban hành ngày 12/9/2013, gồm 4 chương, 46 điều, quy định vể xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Phạm vi của Nghị định bao gồm: Vi phạm các quy định về nguồn lợi thủy sản, vi phạm các quy định về khai thác thủy sản, vi phạm các quy định về quản lý tàu cá và quản lý thuyền viên tàu cá, vi phạm các quy định về nuôi trồng thủy sản, sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biên, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản, vi phạm các quy định về ngành nghề dịch vụ thủy sản, cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.
Nghị định 103/2013/NĐ-CP có một số điểm mới và khác so với nghị định 31/2010/NĐ-CP: Phạm vi điều chỉnh Nghị định 103 là các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, cơ sở dịch vụ hoạt động thủy sản và một số hành vi vi phạm về nuôi trồng thủy sản (quy hoạch, giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản...), thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản. Không bao gồm các hành vi về thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, giống thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Các hành vi về an toàn thực phẩm thủy sản. Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản cao hơn so với trước, cụ thể là 100.000.000 đồng (đối với cá nhân) và 200.000.000 đồng (đối với tổ chức).
Nghị định 103 có các quy định mới về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, gồm: Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng, Kiểm ngư viên theo Nghị định 102 về kiểm ngư; Chi cục trưởng các Chi cục quản lý Thủy sản; công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Tổng cục, Chi cục.
Tại Hội nghị triển khai Nghị định này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai đã chỉ đạo công tác tổ chức triển khai tại Tổng cục Thủy sản. Theo đó, sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định. Tổ chức tập huấn về triển khai Nghị định cho các cấp từ Trung ương đến địa phương. Thường xuyên theo dõi, sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định. Có kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn về quy trình thanh tra chuyên ngành.