Theo số liệu thống kê, hiện các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có hơn 3.500 tàu, với khoảng 35.000 lao động, tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương, trung bình mỗi năm thu được khoảng 16.000 tấn.
Riêng 10 tháng năm 2015, sản lượng cá ngừ của 3 địa phương trọng điểm này ước đạt 15.769 tấn. Giá cá ngừ đại dương có xu hướng tăng, dao động ở mức 110.000 đồng/kg và giá xăng dầu giảm đã làm lợi cho nghề khai thác cá ngừ tại các địa phương nói trên.
Tuy nhiên, nghịch lý là xuất khẩu lại đang có dấu hiệu giảm sút. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ 8 tháng đầu năm 2015 đạt giá trị hơn 300 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Các chuyên gia cho rằng, chất lượng cá ngừ đại dương đánh bắt tại vùng biển Việt Nam không thua chất lượng cùng loại với các vùng khác. Nhưng nghịch lý là sản phẩm cá ngừ do ngư dân Việt Nam đánh bắt luôn mất giá so với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, do chính thói quen dùng chày đập chết cá, để cá trên nền đất sau khi đánh bắt... khiến sản phẩm giảm chất lượng, khó xuất sang Nhật Bản để làm các món tươi sushi, sashimi... Trong khi, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi sống tại thị trường này rất lớn.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, thị trường Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương/năm, trong đó nhập khẩu chiếm trên 300.000 tấn. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 100.000 tấn cá ngừ tươi, còn lại là cá đông lạnh... Để cá ngừ đại dương đáp ứng chất lượng xuất sang thị trường Nhật đòi hỏi ngư dân Việt Nam phải thay đổi tư duy đánh bắt, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường.
Một số giải pháp đã được các địa phương tính đến. Từ tháng 8/2014, các ngư dân tỉnh Bình Định được chọn thực hiện thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Khi áp dụng công nghệ mới giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương được nâng cao, đảm bảo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Qua gần một năm áp dụng mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản, cơ bản sản phẩm đã cải thiện.
Mới đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã tài trợ 25 bộ thiết bị ngư, lưới cụ của hệ thống gây sốc cá ngừ (TTS) cho 25 tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn và TP. Quy Nhơn để thực hiện mô hình thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương.
Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các chủ tàu cá tiến hành lắp đặt cho 3 tàu và tổ chức ra khơi thử nghiệm các thiết bị nói trên với sự tham gia của 4 chuyên gia thủy sản từ Tập đoàn Kato Hitoshi (Nhật Bản).
UBND tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương phối hợp với các chuyên gia thủy sản của Kato Hitoshi tiến hành tập huấn và lắp đặt 22 bộ TTS còn lại cho 22 tàu cá tham gia chương trình để đến ngày 30/10/2015, tất cả các tàu cá tham gia mô hình đồng loạt ra khơi khai thác cá ngừ đại dương. CTCP Thủy sản Bình Định cũng sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng, thu mua và xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật.
Theo UBND tỉnh Bình Định, để đảm bảo chất lượng cá ngừ xuất khẩu sang Nhật Bản thì địa phương, ngư dân và các đơn vị hậu cần… vẫn còn nhiều việc phải làm. Kinh nghiệm từ đợt xuất 37 con cá ngừ đánh bắt bằng công nghệ mới hồi tháng 8/2014 cho thấy khó khăn vẫn còn, trong 9 con cá ngừ đại dương được đánh bắt theo công nghệ mới thì chất lượng về cơ bản vẫn chưa đảm bảo, không đồng đều… do ngư dân thực hiện kỹ thuật chưa thuần thục.
Tuy nhiên, vấn đề chỉ còn là thời gian để khắc phục một số vấn đề còn lại. Triển vọng tương lai đối với ngành đánh bắt cá ngừ đại dương vẫn sáng…