Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2017 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 840,9 triệu USD, tăng 5,6% so với tháng trước đó và tăng 25,2% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu thủy sản sang 163 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, mặc dù tăng trưởng chậm, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch 8 tháng đầu năm đạt 922 triệu USD, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 8/2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 128,8 triệu USD, giảm 15,2% so với tháng trước và giảm 10,7% so với tháng 8/2016.
Với đà tăng trưởng khả quan trong 9 tháng đầu năm, 3 tháng cuối năm xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Đặc biệt là tình hình xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... nhiều khả năng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Việc đồng Yên Nhật Bản tăng giá so với USD và các ngoại tệ khác sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu thủy sản của ta do giá thủy sản xuất khẩu bằng đồng USD sẽ rẻ hơn khi vào thị trường Nhật Bản.
Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang tăng rất mạnh. Sự gia tăng dân số, nhất là tăng tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu (dự kiến đến năm 2022, tầng lớp trung lưu chiếm 54% dân số Trung Quốc), làm gia tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Tiêu thụ thủy sản ở khu vực thành thị của Trung Quốc hiện đã vượt mức 40 kg/người/năm. Nhiều khả năng đến năm 2020, tiêu thụ thủy sản bình quân ở Trung Quốc sẽ đạt 35,9 kg/người. Trong khi đó, nguồn cung nội địa của nước này ngày càng không đáp ứng được nhu cầu.
Trung Quốc đang có chủ trương giảm đánh bắt từ tự nhiên để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn về nhân công, đất đai, dịch bệnh... Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu trong nước và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, Chính phủ Trung Quốc đang có những chính sách khuyến khích nhập khẩu thủy sản. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo cơ quan Hải quan Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của nước này đạt 4,2 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ năm 2016. Dự kiến trong cả năm 2017, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 8 tỷ USD mặt hàng thủy sản. Trong đó, cá tra Việt Nam là một trong những mặt hàng thủy sản mà Trung Quốc đang có xu hướng tăng nhập khẩu mạnh nhất.
Riêng đối với thị trường Hàn Quốc, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc tiếp tục phát huy tác động tích cực đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc nhiều khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại do thủy sản Việt Nam bị giảm khả năng cạnh tranh bởi phải chịu thuế chống bán phá giá. Việc cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải kiểm tra 100% lô hàng theo quyết định của Cục Thanh tra an toàn thực phẩm - FSIS thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ kể từ ngày 2/8/2017, đã khiến giá nhập khẩu vào thị trường này tăng đáng kể. Giá tăng là do việc phía Mỹ kiểm tra 100% các lô hàng cá da trơn nhập khẩu đã đẩy chi phí tăng mạnh. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), giá cá tra xuất sang Mỹ hiện đã gần đạt mức 2 USD/pao (1 pao gần 0,45 kg), tức gần 4 USD/kg.
Dự báo giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tăng trong vài tháng tới và lên trên 2 USD/pao. Hiện chỉ có 3-4 doanh nghiệp chính còn tiếp tục bám trụ tại thị trường Mỹ với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cá tra cắt khúc, cá tra phile đông lạnh, cá tra cuộn đông lạnh, cá tra phile tẩm bột, cá tra bỏ đầu, khứa khoanh, cá tra bỏ đầu xẻ bướm và cá tra nguyên con đông lạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DoC) đã dự kiến sẽ đưa ra mức thuế chung cho các công ty cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá dành cho các công ty sẽ giống nhau từ tháng 3/2018.