Trò chuyện với lão ngư đuổi cá mai

Khi nghe người ta nói đi đuổi cá mai, tôi cứ tò mò, bởi chỉ biết tới nghề khai thác cá bằng lưới, vó, giăng câu, úp chỗ, quăng chài... chứ giữa biển khơi mênh mông thì đuổi cá để bắt quả là lạ lẫm! Thế rồi mới đây có dịp đến bến cá phường Tân An (TX Quảng Yên), trò chuyện với bà con ngư dân ở đây, mới biết thêm  nhiều điều thú vị...

hoàng hôn xuống
Hoàng hôn vừa xuống, tàu của anh Lê Văn Sâm bắt đầu hạ te ra khơi.

Tôi lên tàu của lão ngư Nguyễn Văn Nam, một người đã có mấy chục năm đi biển. Lúc tôi đến đã là chiều muộn nhưng ông Nam vừa mới ngủ dậy còn đang dụi mắt. Ông cười, bảo: “-Làm nghề này, ngủ ngày cày đêm, chú ạ!”.

Rít một hơi thuốc lào thật kêu rồi chậm rãi phả khói ra biển, ông Nam gật gù: “Chú muốn “học nghề” đuổi cá ấy à? Khó đấy, phải có sức khoẻ, sức bền dẻo dai. Những loài cá càng nhỏ thì bơi lại càng nhanh. Cá kìm, cá chuồn, cá mai v.v.. là những loài như thế. Chúng bơi thành đàn đông lắm, nhưng không thể giăng lưới mà bắt được vì gỡ một đàn cá như thế thì đến bao giờ. Kéo lưới lại càng không ổn bởi bủa lưới chưa xong thì cá đã nhanh chân chạy mất rồi. Chỉ có đuổi bắt chúng được thôi…”.

Và để đuổi bắt cá mai, những ngư dân như ông Nam phải chuẩn bị “vũ khí” rất cẩn thận. Ngư cụ đuổi cá của ông Nam và các bạn chài được gọi là te. Te là một tấm lưới mắt nhỏ gắn hai cây gỗ dài hình chữ V, đặt ở mũi mỗi con tàu đánh cá. Khi tàu chạy, một người lái tàu ở khoang lái, một người lái te ở mũi, hạ te xuống nước chỉnh theo luồng cá mà đuổi. Tàu đuổi cá mai cần đến hai lái là vậy. Và đặc biệt hai lái lại phải rất ăn ý với nhau nếu không thì sẽ chệch hướng đi của đàn cá. Rồi lại còn phải dựa theo nhịp lên xuống của thuỷ triều, lợi dụng hướng gió nữa. “- Đại khái như vậy, đi cùng nhau nhiều, làm cùng nhau nhiều thì tự dưng ăn ý với nhau ngay thôi”- Ông Nam bảo.

Theo ông Nam, cá mai thường đi thành đàn nhiều ở những vùng nước sâu gần các cửa sông đổ ra biển. Ở Quảng Ninh, những nơi cá mai tập trung nhiều là vùng biển Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn v.v.. Có những lần, ông Nam đuổi theo đàn cá mai tới tận Đồ Sơn (Hải Phòng), thậm chí còn tới cả Thanh Hoá… Đi đến đâu đánh được cá ông mang lên chợ gần đó để bán. Nếu đàn cá lớn có khi đánh đến mấy ngày liền, khi nào vãn cá thì lại quay về.

chế biến cá mai
Cá mai chế biến được nhiều món ngon.

Chỉ cần nhìn con nước, nhìn gió là những lão ngư như ông Nam biết chỗ nào nhiều cá. Nó còn phụ thuộc theo mùa, theo sở trường của mỗi ngư dân nữa. Ông Nam bảo, ngư trường đánh bắt cá mai có khi rất gần, chỉ ngay vùng Hà An, Tân An này cũng sẵn cá lắm chứ đâu phải đi xa. Chạy tàu chừng hai chục phút ra biển là đã có thể tìm được đàn cá mà đuổi rồi, chẳng cần phải tốn nhiều dầu cho quá trình đi đường tìm luồng cá. Tôi hỏi ông Nam bí quyết để giành chiến thắng trong cuộc chơi rượt đuổi là gì; ông thủng thẳng trả lời:  “- Máy phải khoẻ. Đem máy yếu lao vào cuộc chơi đuổi bắt thì có đuổi đến rão cả máy mà nhiều khi cũng không kịp!”. Ông Nam chỉ vào khoang máy tàu của mình bảo với tôi rằng, chiếc máy công suất đến 170 mã lực, ấy vậy mà vẫn chưa hiệu quả lắm đâu. Máy khoẻ là phải loại trên 200 mã lực cơ…

Tôi hỏi ông Nam sao hôm nay đang là chính vụ đuổi cá mai mà ông không đi biển, ông nói vì phải sửa máy. “Nếu không giờ naỳ tôi làm sao ngồi rỗi rãi chuyện phiếm với chú được! Ở Quảng Yên, ngư dân đuổi cá mai quanh năm, nhưng vào thời điểm cuối thu thì đang là chính vụ cá mai. Dịp này chúng tụ tập thành đàn để kiếm ăn và sinh sản. Để chớp thời cơ bà con ngư dân cũng chuyển từ giã cào, bắt cá kìm, bắt sò v.v.. sang đuổi cá mai. Như ở bến Giang phường Tân An này mỗi ngày cũng có tới hơn 30 tàu thuyền ra khơi chỉ để đánh bắt cá mai. Mỗi một tàu có khoảng 5 lao động. Trên bến Giang của phường Tân An hôm nay, ngoài tàu ông Nam chỉ còn 2 con tàu đánh cá mai khác là còn neo lại.

Câu chuyện của chúng tôi càng rôm rả hơn khi có thêm vài người bạn chài của ông sang góp vui. Mọi người lại quay về vấn đề máy khoẻ, máy yếu. Họ đều đồng ý với nhau rằng, làm cái nghề đuổi cá mai này máy công suất càng cao càng đánh bắt được nhiều. Nhưng máy càng to lại càng tốn dầu, đội chi phí lên cao hơn. Ông Vũ Văn Tĩnh, ngư dân năm nay đã 65 tuổi, nhà ở phường Phong Hải, kể một đêm đuổi cá cũng mất chục xách dầu (loại can 20 lít). Mỗi xách gần 300 nghìn. Tính ra chi phí tiền dầu một đêm cũng ngốn mất vài triệu.

Và tôi cũng biết thêm, cũng có người vì tàu máy bé đuổi không kịp đàn cá nên chủ tàu đã “bóc ngắn cán dài” lắp điện vào te… Thế nhưng, đó là chuyện xưa rồi và cũng chỉ là số ít thôi. Bây giờ bà con ngư dân đã tự giác, cũng may đa phần vẫn yêu nghề, quyết giữ nghề. Họ đầu tư máy móc công suất cao mà dùng tốc độ để đuổi cá chứ quyết không dùng điện đóm để bắt cá. Ông Nam lắc đầu bảo nếu đánh điện thì tự mình sẽ “đánh vào “niêu cơm” của nhà mình”!. Vậy nên, nếu muốn đánh bắt lâu dài thì phải vay vốn để sắm tàu to máy khoẻ. Thế nhưng điều mà ông Nam còn băn khoăn nhất là tiến độ thủ tục giải ngân gói vay vốn cho ngư dân đóng tàu còn phức tạp và bất cập quá. Ngư dân rất khó vay, có vay cũng được ít chẳng thấm tháp gì. Như nhà ông nếu vay nhiều lắm cũng chỉ được chừng 200 triệu. Nếu không có vốn tích luỹ từ trước nữa thì khó mà đóng được những con tàu to để vươn khơi.

Tôi hỏi ông Nam, một đêm đuổi cá mai trung bình có được đôi ba tạ không thì bà Phượng vợ ông, nhanh nhảu xen vào: “-Nếu mà được đôi tạ thì có mà không đủ tiền dầu. Lỗ vốn chết. Mỗi đêm ít ra cũng dăm bảy tạ”. Mỗi cân cá bán trung bình từ 20.000 đến 25.000 đồng. Cá mai ngon nổi tiếng nên rất dễ bán, ngư dân không phải lo ế hàng. Chị Hằng, một thương lái buôn cá mai, bảo tôi sáng sớm mai qua đây sẽ thấy cảnh tàu bè san sát về bến đổ hàng, cảnh thương lái tranh nhau đón mua cá. Chị còn bảo, giả sử có mưa gió đi nữa thì bà con vẫn không cần phải bán ngay, cứ phơi khô bán dần cũng chạy hàng lắm…

Nhận ra lợi thế đó, phường Tân An đã lựa chọn cá mai để đăng ký sản phẩm OCOP. Nhờ đăng ký thương hiệu và mở rộng thị trường mà con cá mai đã làm cho đời sống của nhiều ngư dân ở Quảng Yên thêm đủ đầy hơn trước. Ông Nam bảo: “-Thu nhập từ cái nghề này cũng được tuy không đều cho lắm. Có tháng được ba bốn chục, bốn năm chục triệu, có tháng được đôi chục. Nghề này chỉ biển động có mưa bão mới chịu nghỉ mà thôi”.

Tuy nghề này vất vả thật nhưng cũng nhờ có nó mà ông Nam lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Tất cả đều đã được lên bờ hết rồi chứ không còn lận đận lênh đênh cả đời trên sóng nước như cha mẹ chúng bây giờ. Riêng ông Nam trước kia đi làm giã cào, hơn năm nay ông thấy cá mai nhiều nên quay sang đuổi cá mai. Và ông đã học được từ ông Tĩnh, một bạn chài của mình...

Nghe vậy, ông Tĩnh xua đi: “-Anh em với nhau bảo nhau làm ăn chứ có gì đâu mà thầy với thợ. Cái nghề đánh cá lênh đênh trên biển, sóng gió này rất cần phải đùm bọc quấn túm lấy nhau”.

Ông Nam đưa ánh mắt nhìn vời vợi ra biển khơi; dường như ông đang lo cho con tàu nhà mình liệu có đủ sức vươn ra sóng lớn, lo những bạn chài bí quá phải lắp điện vào te...

Câu chuyện đang sôi nổi thì anh Lê Văn Sâm, người lái con tàu đỗ gần bên cạnh tàu ông Nam, gọi với sang chào tạm biệt ông Nam và tôi để lên đường. Anh bảo hôm nay tàu anh đi muộn vì chỉ đuổi cá ở gần khu vực Tuần Châu này chứ mọi hôm thì đã lên đường lâu rồi. Vẫy tay chào anh, tôi chúc sáng mai anh về bến cá Tân An đầy khoang. Anh Sâm cười rất tươi rồi hạ te xuống, kéo ga cho máy nổ mạnh hơn đưa con tàu rẽ nước chạy ra biển…

Anh Sâm đi rồi, ông Nam quay lại bảo tôi, nếu đánh ở Cát Bà hay Cẩm Phả thì đã phải đi lâu rồi, phải tính chạy làm sao chừng 4 tiếng ra đến nơi là trời tối để có thể đuổi được cá. Loài cá này đi ăn đêm, trời còn sáng thì chưa bắt được. Thấy tôi cứ nhìn theo con tàu anh Sâm đang xa dần, chừng hiểu ý tôi muốn có một chuyến đi “cận mục sở thị” công việc đuổi cá mai, ông Nam cười động viên: Thôi nào, có dịp thuận tiện, nhất định tôi sẽ đưa chú ra biển xem chúng tôi “bơi thi” với cá mai thế nào…”.

Báo Quảng Ninh/Báo Hải Quan, 08/11/2015
Đăng ngày 09/11/2015
Đánh bắt

Nâng cao công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản

Hiện nay công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tàu cá
• 10:29 10/01/2025

Bình Định tăng cường lãnh đạo, xử lý các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU

Thực hiện Văn bản số 567-CV/BCSĐ ngày 18/12/2024 của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5.

Tàu cá
• 09:43 07/01/2025

Gỡ khó trong cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản

Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU từ Ủy ban Châu Âu (EC), trong đó việc cấp giấy xác nhận (SC) và chứng nhận (CC) nguyên liệu thủy sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong triển khai đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Thu hoạch cá
• 10:47 17/12/2024

Bình Định sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ

Ngày 10/12/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 84/2024/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ

Tàu cá
• 10:17 16/12/2024

Xu hướng giá tôm thẻ đầu năm

Đầu năm luôn là thời điểm nhạy cảm đối với giá cả các loại nông sản và thủy sản, đặc biệt là tôm thẻ. Xu hướng giá tôm thẻ đầu năm 2025 hứa hẹn mang đến cả cơ hội và thách thức cho người nuôi và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tôm thẻ
• 12:49 18/01/2025

Giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1598/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đánh bắt cá
• 12:49 18/01/2025

Top 7 loài cá có răng đáng sợ nhất thế giới

Đại dương luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu và cũng không thiếu những yếu tố đáng sợ. Trong lòng nước sâu thẳm, một số loài cá sở hữu bộ răng sắc nhọn và ngoại hình đầy ám ảnh, khiến chúng trở thành những sát thủ tự nhiên của hệ sinh thái.

Cá
• 12:49 18/01/2025

Biện pháp quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm

Thức ăn trong nuôi tôm chiếm một phần chi phí khá cao. Quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm là một yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng tôm khỏe mạnh, giảm chi phí, mang lại lợi nhuận cho người nuôi tôm và bảo vệ môi trường. Dưới đây là một số biện pháp quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm:

Tôm thẻ
• 12:49 18/01/2025

Bao lâu thì nên thay nước bể cá một lần?

Thay nước bể cá là một trong những công việc quan trọng để duy trì môi trường sống khỏe mạnh cho cá. Tuy nhiên, việc xác định thời gian và tần suất thay nước không phải lúc nào cũng đơn giản. Nếu thay nước quá thường xuyên hoặc không đúng cách, bạn có thể vô tình làm căng thẳng cá hoặc phá vỡ hệ sinh thái trong bể. Vậy bao lâu thì nên thay nước bể cá một lần?

Bể cá
• 12:49 18/01/2025
Some text some message..