Trung Quốc sắp đưa tàu khai thác thủy sản lớn nhất hiện nay và là một trong bốn tàu chế biến thủy sản lớn nhất trên thế giới ra biển Đông.
Tàu Hainan Baosha 001, tàu chế biến 32.000 tấn, cùng với một tàu chở dầu 20.000 tấn, tàu vận chuyển 10.000 tấn và 3 tàu từ 3.000 đến 5.000 tấn, sẽ tham gia hỗ trợ 300 đến 500 tàu thuyền đánh cá trong vùng biển đang tranh chấp, theo Wen Hui Pao, một tờ báo Hoa Ngữ có trụ sở tại Hồng Kông.
Con tàu này là tàu chế biến thủy sản lớn nhất của Trung Quốc hiện nay và là một trong bốn tàu chế biến thủy sản lớn nhất trên thế giới. Nó mang theo bốn nhà máy chế biến, 14 dây chuyền sản xuất và 600 công nhân.Tàu mẹ và tàu hỗ trợ khác sẽ cung cấp phương tiện cần thiết để xử lý lên đến 2.100 tấn thủy sản mỗi ngày.
Hiện nay, đội tàu đánh cá của Trung Quốc không thể ở lại lâu dài trong biển Đông do thiếu cơ sở chế biến. Các tàu bổ sung sẽ cho phép các đội tàu cá ở lại trong khu vực cho đến chín tháng tại một thời điểm.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý đại dương của Trung Quốc đã đồng ý "trên nguyên tắc", ngày 26/ 4, đề nghị chính quyền tỉnh Hải Nam để xây dựng một bến tàu cung cấp ở biển Đông. Sở Hải Dương và Thủy sản tỉnh Hải Nam đã ước tính rằng bến tàu này sẽ giúp sản xuất thủy sản trong khu vực đạt 50 tỷ nhân dân tệ (7,9 tỷ USD), hoặc 2,2 triệu tấn, vào năm 2015.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ triển khai giàn khoan nước sâu đầu tiên ở phần phía đông của biển Đông ngày 9/5/2012. Động thái này đánh dấu sự khởi đầu của chiến lược khai thác dầu khí nước sâu của Trung Quốc.
Theo đó, giàn khoan dầu khổng lồ, gọi là Ocean Oil 981 sẽ được sử dụng để khoan tại giếng Liwan 6-1-1, có độ sâu 1.500mm với thiết kế độ sâu của giếng là 2.371m. Thông tin này được đăng tải trên trang web của cơ quan trên.