Theo đưa tin từ tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế đi lại trong nước, qua đó cho phép người dân di chuyển tự do bằng tàu hỏa mà không cần trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Cụ thể, từ ngày 16/3, người dân Trung Quốc có thể đi lại bằng tàu hỏa trên toàn quốc với "mã sức khỏe xanh", mã này cho thấy tình trạng sức khỏe của một người hoàn toàn ổn định.
Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết quy định mới áp dụng cho tất cả khu vực "rủi ro thấp" trải dài trên toàn quốc, nghĩa là các sân bay ở một số thành phố cũng có thể áp dụng chính sách tương tự.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh lưu ý rằng lệnh hạn chế đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu vẫn giữ nguyên. Các sản phẩm nhập từ nước ngoài sẽ phải có chứng nhận kiểm dịch và khử trùng trước khi ra thị trường.
Ông Lu Yongfu - Phó Giám đốc Cục Giám sát Thị trường tỉnh Chiết Giang, cho biết virus SARS-CoV-2 trên các loại thực phẩm đông lạnh vẫn là lo ngại lớn đối với công tác kiểm soát dịch bệnh ở đất nước tỷ dân. Do đó, giới chức Bắc Kinh khó lòng nới lỏng quy định đối với thủy sản nhập khẩu.
Sau Tết Nguyên đán, riêng tại tỉnh Chiết Giang, các nhà chức trách đã chặn được khoảng 417,6 tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có dấu vết của virus SARS-CoV-2 xâm nhập thị trường.
"Công tác phòng chống đại dịch tại Trung Quốc nhìn chung vẫn ổn định và tiếp tục cải thiện, nhưng dịch bệnh vẫn lan rộng trên khắp thế giới, theo như số liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ rõ. Một số nước thậm chí còn đạt mức cao mới về số lượng ca nhiễm", ông Lu cảnh báo.
"Nếu tình hình không được kiểm soát triệt để, virus vẫn có nguy cơ lây lan từ thực phẩm đông lạnh sang người", ông Lu nhấn mạnh.
Đến nay, cơ quan hải quan Trung Quốc vẫn duy trì các hạn chế cứng rắn với thủy sản đông lạnh nhập khẩu, theo Undercurrent News. Gần nhất, hải quan đã cấm một tàu cá của Công ty Thủy sản Nga (RFC) cập cảng sau khi phát hiện virus SARS-CoV-2 trên ba bao bì cá minh thái lấy từ con tàu này. Đây là lần thứ 10 trong năm 2021 giới chức Trung Quốc có động thái tương tự với tàu cá hoặc thủy sản Nga.
Ngoài ra, từ tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc cũng nhiều lần liệt các công ty xuất khẩu tôm Ecuador vào danh sách hạn chế vì tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên bao bì tôm của các doanh nghiệp này.
Chia sẻ với SeafoodSource, bà Marina Huang, Phó Tổng Giám đốc công ty đánh giá chất lượng hàng hóa Helmsman Quality and Technology Services (HQTS) Group, cho biết các lệnh hạn chế nghiêm ngặt với thủy sản nhập khẩu đang khiến nhiều nhà máy chế biến tại Trung Quốc thiếu nguồn cung nguyên liệu thô.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải biển cũng đang rất bất ổn vì thiếu container nghiêm trọng dẫn đến cước phí tăng vọt. Vấn đề cũng gây tổn hại đến nguồn nguyên liệu thủy sản thô đến Trung Quốc, bà Huang nói thêm.