Những khó khăn khi nuôi tôm tại Thụy Sĩ
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Thụy Sĩ có thể được xem là một trong những ý tưởng táo bạo và kỳ lạ nhất mà người ta có thể nghĩ đến. Tuy nhiên, khi đi sâu vào thực tế, chúng tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn những khó khăn lớn mà các trại tôm tại đây phải đối mặt:
Không có biển và nguồn nước mặn tự nhiên
Thụy Sĩ, với đặc điểm không giáp biển, không có sẵn nguồn nước mặn. Điều này buộc các trại nuôi phải sử dụng nước ngọt pha muối biển – một giải pháp vừa tốn kém lại đòi hỏi sự cẩn thận trong pha chế và quản lý.
Địa hình đồi núi
Địa hình chủ yếu là đồi núi, vốn tạo nên sức hút lớn cho ngành du lịch Thụy Sĩ, lại trở thành rào cản lớn cho việc xây dựng các trang trại nuôi trồng thủy sản. Việc xây dựng trang trại rộng lớn hầu như không thể do chi phí thuê đất đắt đỏ.
Mùa đông khắc nghiệt
Thụy Sĩ có mùa đông kéo dài từ tháng 11 đến đầu tháng 4, với tuyết rơi thường xuyên và nhiệt độ có thể giảm sâu tới -20°C. Việc duy trì nhiệt độ ổn định trong bể nuôi đòi hỏi hệ thống sưởi ấm nước, tiêu tốn một lượng khí đốt không nhỏ.
Chi phí nhân công đắt đỏ
Nổi tiếng với phong cách làm việc nghiêm túc, hiệu quả cộng với chi phí sống đắt đỏ hàng đầu thế giới, mức lương tối thiểu tại Thụy Sĩ lên đến 645.000 đồng, tương đương khoảng 113 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, việc tuyển dụng nhân sự rất khó khăn do người trẻ nước này ngại làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại sao họ vẫn chọn nuôi tôm?
Mặc dù đối mặt với vô số khó khăn, các doanh nghiệp tại Thụy Sĩ vẫn quyết tâm phát triển mô hình nuôi tôm, xuất phát từ những lý do sau:
- Giá bán cao và luôn có thị trường tiêu thụ ổn định: Tôm tại Thụy Sĩ được bán với giá trung bình hơn 2,8 triệu đồng/kg, nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp như các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, hoặc các gia đình trung lưu. Điều đáng nói là sản phẩm hầu như không bao giờ bị tồn kho do nhu cầu vượt xa nguồn cung.
- Lo ngại về sản phẩm nhập khẩu: Người tiêu dùng Thụy Sĩ thường e ngại tôm nhập khẩu vì những vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động cưỡng bức, tàn phá môi trường hay sử dụng hóa chất cấm. Điều này khiến họ sẵn sàng chi trả cao hơn để mua tôm được sản xuất nội địa.
- Khẳng định năng lực vượt khó: Với người Thụy Sĩ, việc chứng minh khả năng làm được những điều phi thường mang lại uy tín, danh tiếng, cũng như sự ngưỡng mộ từ cộng đồng và đối tác.
- Chính sách hỗ trợ từ chính phủ: Các trang trại nuôi tôm tại đây nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ như miễn thuế hoặc đầu tư không hoàn lại, khiến ý tưởng này trở nên khả thi hơn.
Từ những lý do trên, hiện có khoảng 5-6 công ty đang nuôi tôm tại Thuỵ Sĩ điển hình là Greenfish AG, Swiss Shrimp, Lucky Shrimp…
Hệ thống nuôi tôm trong nhà (Swissshrimp)
Họ đã làm như thế nào?
Mô hình nuôi hiện đại
Các trại nuôi tôm ở Thụy Sĩ thường có đặc điểm chung là hoạt động trong nhà, sử dụng hệ thống tuần hoàn nước nhiều giai đoạn và tự động hóa cao. Điều này giúp khắc phục các thách thức từ khí hậu lạnh và chi phí nhân công đắt đỏ. Một số công ty sử dụng bể composite tròn nổi cao 1,8m với mức nước nuôi từ 1,5-1,6m. Trong khi đó, những công ty khác lại chọn bể xi măng vuông cao 1m và mức nước khoảng 0,7m.
Bể tròn composite (Greenfish AG)
Các phương pháp như RAS (hệ thống tuần hoàn nước), Biofloc, Aquamimicry,... được áp dụng, và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh hay hóa chất cấm trong sản xuất.
Con giống và thức ăn
Tôm giống chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Thái Lan và một số nước châu Âu như Áo, Bỉ. Chúng được vận chuyển bằng đường hàng không và xe tải trong ít nhất 10 tiếng trước khi đến trại nuôi. Nguồn cung giống hạn chế, chi phí vận chuyển cao, và chất lượng giống không ổn định là những thách thức lớn mà trại thường phải đối mặt. Tôm giống được ương với mật độ 7.000-20.000 PL/m³ trong 30 ngày, sau đó chuyển sang hệ thống nuôi chính với mật độ 150-450 con/m². Khi sinh khối đạt đỉnh, hệ thống có thể nuôi đến 7kg tôm/m³ nước.
Hệ thống cho ăn tự động, cải tiến từ hệ thống cho ăn trong nông trại chăn nuôi, giúp cung cấp thức ăn khô từ bể chứa dung tích 200kg đến từng bể nuôi. Do hệ thống phức tạp và đường ống vận chuyển thức ăn dài, hầu như trại chỉ cho ăn khô và không trộn vitamin/enzyme vào thức ăn để tránh ẩm mốc đường ống.
Nguồn nước
Vì nguồn nước nuôi tôm là nước ngọt bỏ thêm muối biển, khá đắt đỏ và tốn công khi pha nên việc bảo toàn tối đa nguồn nước là ưu tiên hàng đầu tại các trại nuôi.
Bắt đầu hệ thống, nước ngọt và muối được pha trộn bằng máy theo tỷ lệ ra nước ót khoảng 75ppt, sau đó nước ót được dự trữ tại bồn để pha thành các loại nước có độ mặn 5,10,15,30ppt tuỳ theo nhu cầu sử dụng. Nước mới được bơm vào ao tôm để bù lại lượng thất thoát khi si phong và bốc hơi, hầu như không có việc thay nước 10-50% như chúng ta thường làm, có thể nói nước nuôi đã được giữ nguyên trong hệ thống trong vòng vài năm.
Nước bẩn trong bể tôm được xử lý lần lược qua các bước lọc trống, lọc sinh học, khử-nitrat-hoá, loại bỏ protein, UV, Ozone, lọc dormund,… rồi quay trở lại bể nuôi để bắt đầu vào hành trình mới, hệ thống máy bơm chạy 24/7 để duy trì chất lượng nước.
Kiểm tra chất lượng nước
Do mật độ nuôi cao và không thay nước thường xuyên, việc kiểm tra chất lượng nước là bắt buộc. Các chỉ tiêu như O2, nhiệt độ, pH được giám sát liên tục bằng cảm biến của Đức. Dữ liệu được lưu trữ và cảnh báo qua điện thoại khi có biến động nguy hiểm. Tuy nhiên, cảm biến cần vệ sinh, hiệu chuẩn thường xuyên và chi phí thay thế rất cao (14-28 triệu đồng/cái). Các chỉ tiêu khác như khí độc và khoáng được kiểm tra 3 ngày/lần tại phòng thí nghiệm bằng máy đo và kit test.
Xét nghiệm PCR để sàng lọc bệnh trên tôm dường như dễ dàng ở Việt Nam lại rất khó khăn ở Thuỵ Sĩ do ở châu Âu không có phòng thí nghiệm chuyên biệt về tôm. Để xét nghiệm 1 mẫu bệnh phẩm cần mất khoảng 1 tháng thời gian vận chuyển và chi phí hàng chục triệu đồng.
Bể tròn composite (Greenfish AG)
Thu hoạch và đóng gói
Hầu hết các trại tôm tại Thuỵ sĩ đều có khu chế biến đơn giản riêng của họ. Sau khoảng từ 4-6 tháng nuôi, tôm thẻ đạt kích cở từ 25 đến 45g sẽ được thu hoạch. Tôm sau khi được vớt lên từ bể được giết bằng nước đá lạnh -3 độ C (nước được làm lạnh trong tủ đông từ đêm hôm trước), sau đó được rửa sạch, phân cở, lột vỏ, hút chân không và cấp đông xuống nhiệt độ -35 độ C trong vòng nửa giờ. Các hoạt động trên được thực hiện trong phòng lạnh tách biệt với khu nuôi, với các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Tôm sau khi chế biến hầu như được mua hết bởi các nhà hàng, siêu thị mini và cửa hàng thuỷ sản với giá cao, một số ít để lại bán cho khách hàng vãng lai. Các sản phẩm không đạt chất lượng như: mềm vỏ, quá nhỏ, quá lớn,… được lưu lại nghiên cứu để chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng. Nhìn chung, dù bán đắt hàng với giá cao, hầu hết các trại nuôi đều trong tình trạng thua lỗ do chi phí rất cao. Cho đến nay, tiền bán tôm khoảng vài chục tỷ đồng mỗi năm, miễn cưỡng có thể đủ trả lương nhân viên, chưa kể đến các chi phí khác. Dù còn nhiều điều cần cải thiện, việc sản xuất được tôm ở thuỵ sĩ đã là một thành tựu đáng tự hào khi công nghệ đã biến điều dường như không thể thành sự thật.
Tiềm năng của Việt Nam
Việt Nam có thể tập trung đầu tư vào kỹ thuật và chiến lược marketing để xuất khẩu các sản phẩm tôm cao cấp, hướng đến việc chinh phục các thị trường ngách tại các quốc gia có thu nhập cao, thay vì tiếp tục cạnh tranh dựa trên giá rẻ như hiện tại. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị và chuyên gia của Việt Nam tham gia các dự án thuỷ sản tại các khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông cũng là một tiềm năng đáng kể cần được khai thác.
Với những trải nghiệm từ chuyến đi, chúng tôi nhận thấy Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế về thiên nhiên, chuyên môn, và hệ thống dịch vụ hậu cần phục vụ ngành tôm. Những lợi thế này là thành quả của nhiều năm nỗ lực từ các đơn vị liên quan. Mặc dù hiện tại còn nhiều thách thức, nhưng với sự kết hợp của công nghệ hiện đại, khoa học tiên tiến, và tinh thần hợp tác giữa nông dân, nhà nước, và doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được những thành tựu vượt bậc trong tương lai – "hơn cả những gì chúng ta từng mơ ước!"
Tương Lai Thủy Sản Việt: Thế Hệ Mới, Level Mới là cuộc thi viết được tổ chức bởi Tép Bạc. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên tự do thể hiện mọi góc nhìn và ý tưởng trong ngành thủy sản.
Tác phẩm xuất sắc 04: Trải nghiệm nuôi tôm thẻ công nghệ cao tại Thụy Sĩ - Nhóm sinh viên Tô Vũ Thiện Tâm & Nguyễn Thị Ngọc Như (Trường Đại Học Pukyong & Trường Thủy Sản - Trường Đại Học Cần Thơ)
BÌNH CHỌN cho Tác Phẩm Xuất Sắc 04 bằng cách thả tim ngay cuối tác phẩm!