Thời điểm này, thay vì tiến hành theo dõi, chăm sóc để chuẩn bị thu hoạch lứa tôm xuân hè với nhiều hy vọng thì ông Võ Xuân Vị ở thôn Hòa Bình, xã Kỳ Thư lại phải chèo thuyền vớt những đám tôm chết nổi đầy cả mặt nước.
Ông Võ Xuân Vị vớt tôm chết đi tiêu hủy trước khi tiến hành xử lý nước.
Vụ tôm này, với nhận định thời tiết sẽ thuận lợi, nguồn giống cũng khá dồi dào và đảm bảo chất lượng nên đầu tháng 3, ông Vị đã mạnh dạn đầu tư thả nuôi 7.000m2, với 8,3 vạn con giống tôm thẻ chân trắng.
Như dự tính, thời gian đầu, tôm sinh trưởng và phát triển nhanh vượt trội. Tuy nhiên, sau 2 tháng (thời điểm tôm phát triển mạnh nhất), những ngày đầu tháng 5, ông bắt đầu phát hiện tôm ăn chậm, bỏ ăn rồi chết nhanh chóng, chỉ trong vài ngày đã nổi đỏ cả mặt nước.
Mặc dù vớt hàng ngày nhưng tôm vẫn còn nổi đầy trên mặt ao.
“Tôm chết nhanh quá nên mặc dù thường xuyên theo dõi sát sao, cũng không kịp xử lý, điều trị và cũng không kịp thu hoạch sớm để vớt vát chút ít. Bây giờ chỉ biết vớt hết tôm chết đem tiêu hủy và tiến hành xử lý ao để nuôi lứa mới thôi” - Ông Vị cho biết.
Đến thời điểm này, toàn xã Kỳ Thư có khoảng 3/57 ha bị nhiễm bệnh; tổng thiệt hại khoảng gần 40 vạn con tôm giống. Bên cạnh gây thiệt hại trực tiếp cho hộ nuôi có tôm nhiễm bệnh thì dịch còn có nguy cơ lây lan ra diện rộng trong thời gian các vùng nuôi ở thời kỳ xuống giống.
Cán bộ kỹ thuật huyện và xã xuống tận ao nuôi để hướng dẫn cho bà con cách xử lý nước bằng chlorine.
Ngay khi có thông tin của người nuôi, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ Cây trồng vật nuôi (CTVN) huyện Kỳ Anh đã xuống lấy mẫu xét nghiệm và khẳng định tôm chết hàng loạt là do bệnh đốm trắng, một trong những loại bệnh nguy hiểm gây chết ở tôm rất nhanh. Đặc biệt khi tôm đã bị nhiễm bệnh thì không còn khả năng chữa trị, mà phải sử dụng hóa chất để xử lý ao nuôi, thả lứa khác.
Để hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ CTVN huyện đã liên hệ với Chi cục Thú y Hà Tĩnh cung ứng 1.500 kg chlorine cho người dân khử khuẩn nước ao nuôi.
Chlorine được hoà đều với nước đúng tỷ lệ và rải đều trên khắp mặt ao để diệt hết các mầm bệnh.
Ông Nguyễn Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thư cho biết: “Để ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trên các vùng nuôi, xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát và khoanh vùng các diện tích ao bị bệnh; hướng dẫn bà con tranh thủ những ngày trời nắng nóng nhiều, nền nhiệt trong ngày cao, khẩn trương vớt hết tôm, xử lý bằng chlorine và xả hết nước tại các ao bị bệnh để rắc vôi bột và phơi khô đáy ao, tiến hành xử lý triệt để các loại mầm bệnh để xuống giống lứa mới đảm bảo lịch thời vụ”.
Xuất hiện dịch sớm hơn xã Kỳ Thư, xã Kỳ Thọ có trên 17/153 ha ao tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng với trên 130 vạn con tôm giống bị chết. Hiện nay, gần 100% diện tích ao nuôi của Kỳ Thọ bị nhiễm bệnh đã được người dân xử lý và chuẩn bị xuống giống lứa tôm mới.
Gần 100% diện tích ao nuôi cần phải khôi phục tại xã Kỳ Thọ đã được xử lý xong.
Ông Hồ Văn Sơn, thôn Sơn Tây một trong những hộ nuôi bị thiệt hại nhiều nhất xã Kỳ Thọ với 3/3 ha ao tôm, trên 30 vạn con giống nhiễm bệnh và bị mất trắng. Theo ông Sơn, nếu như mọi việc suôn sẻ, thì khoảng thời gian này, số tôm nuôi của ông sẽ được thu hoạch và đạt khối lượng ít nhất là 6 - 7 tấn tôm thương phẩm; với giá bán trái vụ được khá cao, khoảng 170 - 190 ngàn đồng/kg sẽ mang lại nguồn thu lớn.
Tuy nhiên, dịch bệnh khiến ông trắng tay trong lứa đầu, đến thời điểm này, ông đã xử lý và phơi đáy ao được gần 20 ngày và đang chuẩn bị xuống giống lứa 2 trong năm.
Ao nuôi của ông Sơn hiện đã được xử lý mầm bệnh, sửa sang lại hệ thống kỹ thuật và sẵn sàng xuống giống vụ mới.
Giá cao nhờ tôm trái vụ, đó cũng là một trong những nguyên nhân để người nuôi tôm các địa phương của huyện Kỳ Anh thường bỏ qua khuyến cáo của ngành chuyên môn và tiến hành xuống giống sớm.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ CTVN huyện Kỳ Anh, thì đối với vùng tiểu khí hậu ở huyện Kỳ Anh, huyện khuyến cáo bà con trước khi thả nuôi phải chuẩn bị hệ thống ao nuôi kỹ càng và chỉ xuống giống khi có nền nhiệt cao, ổn định (khoảng đầu tháng 4 âm lịch).
Phòng chuyên môn và các địa phương ở huyện Kỳ Anh đang tập trung chỉ đạo dập dịch đốm trắng trên tôm, không để lây lan ra diện rộng.
Tuy nhiên trong nhiều năm qua, người dân ở đây vẫn chưa bỏ được tập tục thả nuôi tôm sớm trước lịch thời vụ. Kết quả là hầu như năm nào cũng diễn ra tình trạng dịch bệnh trên tôm. Vụ xuân hè năm nay, toàn huyện có 30 ha bị bệnh đốm trắng, không chỉ làm thiệt hại rất lớn về kinh tế, việc thả tôm sớm khi điều kiện thời tiết chưa cho phép sẽ tạo mầm bệnh trong môi trường.
Đến thời điểm này, toàn huyện Kỳ Anh đã xuống giống được 315/371 ha tôm theo kế hoạch. Thời gian này, cùng với việc tập trung dập dịch đốm trắng, huyện tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra trên tôm để chủ động phòng chống, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Về lâu dài, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đầy đủ khuyến cáo và chỉ đạo của ngành chuyên môn, trong đó thực hiện xuống giống đúng lịch thời vụ để hạn chế tối đa dịch bệnh.