Nếu cách đây chỉ hơn 10 năm, phường Tam Quan Bắc chỉ là làng chài nghèo ven biển, xơ xác hàng quán, cuộc sống người dân thiếu thốn, thì giờ đây đã trở nên giàu có, sung túc. Đáng ngạc nhiên hơn, nhiều tỷ phú trẻ đã xuất hiện, nhà lầu, biệt thự tiền tỷ mọc lên san sát, cửa hiệu, cửa hàng lớn khắp nơi, tô điểm cho sự đổi thay ở vùng quê ven biển.
Theo người dân địa phương, những nhà cao tầng đồ sộ, đều là của thợ câu cá ngừ đại dương. Có những thợ câu cá ngừ bây giờ đã mở cửa hàng, công ty thủy sản, xưởng đóng tàu hoặc sở hữu cả đội tàu câu cá ngừ nhiều chiếc với hàng chục, hàng trăm lao động. Ông Nguyễn Huy Thọ, Trưởng thôn Tân Thành 2, phường Tam Quan Bắc kể: Nổi tiếng trong thôn với nghề câu cá ngừ đại dương là các dòng tộc mang họ Kiệt, La, Nguyễn, Phan, đây là những dòng tộc có truyền thống nghề biển đã có 5-6 thế hệ nối tiếp nhau vươn khơi.
Trước đây, toàn thôn chỉ có khoảng 30 tàu cá, với công suất nhỏ, nhờ nghề câu cá nhám mà đông đảo người dân trong làng có của ăn của để, sắm sửa thêm tàu. Vi cá nhám (còn gọi là cá mập cáo), thời đó thì có giá trị rất cao, được ước tính bằng những lượng vàng. Tuy nhiên, vào khoảng đầu năm 1994, cá nhám ít dần đi, thay vào đó cá ngừ đại dương lại được thị trường ưa chuộng, đặc biệt còn xuất khẩu, nên ngư dân trong làng tập trung học nghề câu cá ngừ đại dương.
Ngư dân Nguyễn Thanh Xê, 55 tuổi, thôn Thiện Chánh 2 cho biết thêm: Trước đây, bà con chủ yếu câu giàn, kéo trục ròng rọc. Mỗi tàu ra biển với 1.000 lưỡi câu, chuyên săn cá nhám, loài cá mà người ta mệnh danh là “chúa biển” hay “cọp biển”. Về sau, nhận thấy nghề này bấp bênh và nguy hiểm nên lớp trẻ không còn theo đuổi nữa và dần bén duyên với nghề câu cá ngừ đại dương (bò gù).
Những ngư dân đưa cá ngừ từ khoang tàu lên bờ sau mỗi chuyến ra khơi trở về.
Khi ngành thủy sản phát triển, phương tiện, trang thiết bị đánh bắt dần hiện đại. Nghề câu cá ngừ đại dương bước vào thời hoàng kim nhất và trở thành nghề “vua” ở biển. Nếu khoảng 10 năm trước, đếm hết làng biển Thiện Chánh chỉ trên dưới 100 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương, thì 5 năm trở lại đây, con số này đã lên tới 1.000 tàu, được coi là làng câu cá ngừ đại dương lớn nhất Đông Nam Á.
Được biết, tàu câu cá ngừ đại dương trang bị không quá cầu kỳ, tuy nhiên nó lại đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ người săn loài cá đặc biệt này. Hành trang mang theo là chiếc cần câu làm bằng tre, dây cước và lưỡi câu phải lớn như chiếc đũa. Thường thì tàu ra biển từ 5 đến hơn 10 ngư dân, mỗi chuyến kéo dài từ 20 - 24 ngày. Chính vì phải đi câu ở xa và dài ngày nên nghề này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Sang, 55 tuổi, ở phường Tam Quan Bắc chia sẻ, ông đi biển từ năm 23 tuổi, thời điểm ấy ở vùng đất này thanh niên trai tráng không đi học hành xa thì chủ yếu là kiếm sống trên biển. Nghề câu cá ngừ đại dương không những làm thay đổi cuộc sống của người dân mà còn tạo điều kiện, kéo theo nhiều nghề khác cùng phát triển, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Riêng gia đình ông đã xây được nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi.
Tuy nhiên, để có được cơ ngơi như hôm nay, ông Sang cùng nhiều ngư dân trong vùng phải trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí đánh cược cả tính mạng trên biển. “Chi phí đi biển dài ngày cũng tốn kém, nhưng giá cá không ổn định, trong khi đó thời tiết thất thường, mưa bão liên tục. Ở ngư trường cá ít dần nên xuất hiện tình trạng các tàu cá tranh giành vùng biển”, ông Sang chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, nghề câu cá ngừ đại dương đã giúp cuộc sống bà con nơi đây khấm khá, phồn thịnh hơn, nhưng cũng tiềm ẩn vô số rủi ro, thậm chí là vấn đề an toàn tính mạng. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền ngư dân nâng cao ý thức, mỗi khi có bão cần phải dừng khai thác và đưa tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn.