Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý do thiếu chứng cứ. Thậm chí các đối tượng này sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện nhằm tẩu tán số tôm gian lận.
Đại úy Ngô Văn Hoàng, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, cho biết có 3 cách thức mà các đối tượng này thường sử dụng khi mua bán tôm với người dân.
Thủ đoạn đầu tiên gọi là “đá cựa gà,” chúng sử dụng một chốt như cựa gà chèn vào chiếc cân để chịu lực cân. Thay vì chiếc cân 20kg thì khi chèn chốt này vào, cho dù có bỏ lên bao nhiêu đi nữa thì khối lượng cân được cũng chỉ 12, 13kg.
Thủ đoạn thứ hai là “đá rổ.” Chúng sử dụng lực lượng đi thu mua tôm rất hùng hậu, từ 20 đến 30 người để kéo tôm, trong quá trình kéo tôm sẽ gây xào xáo để người bán mất cảnh giác rồi tiến hành tẩu tán một số lượng lớn tôm mà không trả tiền.
Thủ đoạn thứ ba là “nhận rổ,” trước khi về, chúng sẽ đem những chiếc rổ dùng trong quá trình mua tôm xuống ao để rửa. Khi đó, chúng sẽ lợi dụng cơ hội này để xếp những chiếc rổ trống mang xuống rửa chồng lên những chiếc có chứa tôm mà chúng đã giấu lại dưới ao trong quá trình kéo lưới. Sau đó, chúng điềm nhiên mang những chồng rổ này lên bờ và vận chuyển đi mà chủ tôm không hề hay biết.
Theo Đại úy Ngô Văn Hoàng, việc điều tra, xử lý các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn, do người chủ mua tôm không có mặt tại hiện trường mà giao việc thu mua cho các đối tượng kéo tôm.
Khi bị phát hiện thì chủ vuông cũng không biết chính xác số tôm bị mất, những kẻ trộm tôm cũng bỏ trốn hết nên không xác định được đối tượng.
Khi chủ thu mua có mặt thì phủ nhận việc có liên quan đến hành vi của những người kéo tôm. Thông thường, nếu bị phát hiện, chủ thu mua sẽ thương lượng với bên bán mức đền bù số tôm bị thất thoát để hòa giải.
Trao đổi về việc người dân nuôi tôm ở huyện Hòa Bình bị gian thương dùng thủ đoạn gian lận trắng trợn cướp tôm, luật sư Tạ Nguyệt Thanh, Trưởng văn phòng Luật sư hợp danh Tạ Nguyệt Thanh (thành phố Bạc Liêu) cho biết theo Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự, chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.
Để xem xét hành vi của những người mua tôm có phải là hành vi phạm tội không, phải xem xét từ dấu hiệu tội phạm.
Nếu hành vi lén lút để lấy tài sản thì là trộm, nhưng còn phải xem xét đến các yếu tố như giá trị tài sản trộm là bao nhiêu (phải định lượng được vì đây còn là yếu tố để quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không).
Tuy nhiên, nếu hành vi ban đầu là lén lút, khi bị chủ tài sản phát hiện, ngăn chặn và những đối tượng này tiếp tục có hành vi đánh lại chủ tài sản (dùng vũ lực) và tiếp tục chiếm đoạt tài sản (trong trường hợp cụ thể là cướp tôm chạy thoát) thì tội phạm có thể đã chuyển hóa sang tội cướp tài sản.
Cũng theo Luật sư Tạ Nguyệt Thanh, một hành vi có phải là tội phạm hay không căn cứ vào nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu tội phạm đã được xác định, tội phạm đã hoàn thành mà sau đó giữa hai bên (bên bị hại và bên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật) tiến hành thỏa thuận thì sự thỏa thuận này không được pháp luật công nhận.
Hay nói một cách khác, đã có dấu hiệu tội phạm mà thỏa thuận hòa giải dân sự là thỏa thuận trái pháp luật. Nếu đã có dấu hiệu tội phạm mà không xử lý hình sự là bỏ lọt tội phạm.
Nhiều người lo lắng cho kiểu giải quyết giống như dân sự hóa vụ việc có dấu hiệu hình sự sẽ tạo tiền lệ xấu cho bọn gian thương kiêm trộm cắp, cướp giật hoành hành.
Chúng cứ ngang nhiên chèn ép người nông dân, nạn nhân không phát hiện thì chúng thu lãi lớn, còn nếu phát hiện thì ngồi lại hòa giải, thương lượng bồi thường là xong./.