“Tùy theo năm mà con nước "quay" xuất hiện sớm hay muộn. Riêng năm nay, ngay từ đầu tháng 5 đã xuất hiện liên tục các cơn mưa lớn nên con nước “quay” cũng xuất hiện sớm hơn mọi năm” - ngư dân Bảy Bình nói.
Đặc sản con nước “quay”
Cũng theo ngư dân Bảy Bình, cá, tôm, cua vào mùa con nước “quay” thường lớn và phong phú hơn các mùa khác, nhất là các loại tôm, cá đặc sản như: chép, mè, lăng, trê, lóc, tôm càng xanh, tôm thẻ… Những loài này thường hay “chạy loạn” (di chuyển) từ thượng nguồn về hạ nguồn hoặc từ các hồ, đập, nhánh sông ngược xuôi để tìm vùng nước yên, nước trong, không bị nhiễm mặn để trú ẩn, sinh sản. Do đó, vào mùa này, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm, cá cỡ lớn và thu nhập cũng cao hơn so với những tháng mùa nắng khi nước sông, hồ trong vắt.
Trên 30 năm bám khúc sông gần bến phà Trị An - Hiếu Liêm (ấp 2, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) mưu sinh, ngư dân Út Hiền năm nào cũng sắm vài tay lưới mới để tung hoành với con nước “quay”. Ông Út Hiền bộc bạch, do con nước “quay” thường chứa nhiều cây, rác và chảy mạnh nên lưới cũ dễ bị rách, không chịu đựng được sức vùng vẫy của cá lớn khi mắc lưới. Cho nên, nếu tiếc tiền đầu tư lưới mới, lỡ thời cơ mưu sinh con nước “quay” thì không phải là "con rái cá" Út Hiền nơi khúc sông này.
Ngư dân Tư Nên (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thả lưới ở các nhánh kênh rạch thuộc xã Phước An (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Đoàn Phú
“Mùa nước “quay”, sông, suối đỏ quạnh hay đục màu phù sa, cá tôm thường bị “sốc” nước, dẫn tới hoảng loạn, di chuyển không theo tập tính tự nhiên vốn có của nó nên dễ vướng lưới của tụi này” - ông Út Hiền bật mí.
Nhẩn nha ngồi trên mũi thuyền chờ tới giờ cuốn lưới, ngư dân Nguyễn Dũng (ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) bộc lộ niềm vui khi những ngày qua ông liên tục thu được những mẻ lưới đầy cá to, cá nhỏ ở khu vực Suối Tượng (ấp 3, xã Mã Đà). Ông tâm sự, nhờ Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quyết liệt trong việc ngăn chặn nạn đánh bắt thủy sản nơi hồ Trị An bằng các ngư cụ tận diệt như: cào, te, đáy, lồng xếp… và thả cá bổ sung, quy hoạch vùng, phân khu bảo tồn nên công việc đánh bắt của ngư dân thời gian qua rất ổn.
Rồi ông so sánh, đánh bắt mùa nước “quay” cũng dễ mất lưới vì sóng to, gió lớn, nhưng cơ hội tìm lại lưới vẫn còn và đôi khi trúng đậm mẻ cá. Riêng với người cào te, ủi vồ, mỗi khi họ cố tình hay vô ý cào phải lưới mình thì tay lưới trở thành cuộn lùng nhùng.
Cá lìm kìm, một loại cá đặc sản hồ Trị An, vào mùa con nước “quay” dễ đánh bắt hơn các mùa khác. Ảnh: Đoàn Phú
Khi mặt trời chỉ mới là vầng sáng lấp ló sau cụm rừng, ngư dân lần lượt về chợ cá Bến Nôm 2 (xã Phú Cường, H.Định Quán) để bán những thành quả có được sau một đêm vật lộn với con nước “quay”. Những mẻ cá trê, lóc, rô phi, tép bạc, tôm càng xanh, trắm, mè… được ngư dân nhanh chóng đưa vào bờ cân cho các chủ vựa chờ sẵn từ trước đó với vẻ dáng vẻ hớn hở.
“Con nước quay chỉ xuất hiện khoảng 1-2 tháng đầu mùa mưa rồi hết. Tuy ngắn ngủi nhưng ngư dân ở đây ngóng chờ nó như dân đồng bằng sông Cửu Long chờ lũ về vậy” - ngư dân Mười Hùng (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) vừa nhét số tiền bán được 20kg cá các loại vào túi quần, vừa nói.
Sẵn sàng cho con nước “quay”
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước đá, dầu, cha con ngư dân Tám Kèn (làng bè Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho chiếc ghe máy xuôi con nước về hướng TP.Thủ Đức (TP.HCM) thả lưới. Trước khi rời cái bến nước đục ngầu, ông Tám Kèn tỏ bày, với người hành nghề chài lưới như ông, mỗi tháng có 2 con nước để đánh bắt cá, tôm. Con nước kém (ròng) dao động từ mùng 6-12 hằng tháng, còn con nước lớn từ ngày 23 đến 27. Mùa này, nước từ thượng nguồn đổ về đỏ ngầu, thường xuất hiện sóng to, gió lớn nên ông thường chọn nhánh sông nhỏ hoặc vịnh êm để đón những đàn tôm, cá chạy mặn, lũ.
Nơi nhánh sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai) hiền hòa, để bắt tôm, cá bị con nước “quay” làm cho mờ mắt, ngư dân Mười Đào (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) càng tỏ ra kiên nhẫn. Ông kể, những tháng không phải mùa nước “quay”, nước sông trong xanh, thả lưới sát đáy vẫn bị tôm, cá phát hiện. Muốn đánh bắt được nhiều tôm, cá vào con nước này, phải chờ đêm xuống, trời nổi gió đông. Còn mùa nước “quay” thì không cần phân định ngày đêm, cứ việc thả lưới sát đáy, tôm cá sẽ không còn đường tránh.
Ngư dân Mười Đào (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) kiên nhẫn chờ tới giờ cuốn lưới. Ảnh: Đoàn Phú
Thời điểm giữa tháng 5, mặt nước hồ Trị An vẫn còn thấp và đúng vào con nước “quay” nên cá tôm được dồn vào những khu bãi cạn, công việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi so với những tháng nước hồ dâng cao, trong xanh. Chính vì lẽ đó, ngư dân Ba Đớn (ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) không dám tụm ba, tụm năm với những ngư dân khác dẫn tới say xỉn không đi đánh bắt được. Ông phân trần, không tranh thủ con nước “quay” để mưu sinh thì ông luôn gặp 2 điều bất trắc: bị vợ càu nhàu, nợ nần tăng lên chứ không giảm xuống. Cho nên, không chờ mặt trời khuất sau cánh rừng, vợ hối thúc, mặt hồ êm sóng, ngư dân Ba Đớn quảy mấy tay lưới còn mới trên vai hướng về chiếc ghe máy. Gần 60 tuổi, có trên 35 năm hành nghề, ông Ba Đớn vẫn như đứa trẻ khi sông, hồ bước vào con nước “quay” - con nước đầy cá, tôm thiên nhiên nên làm cho người ta dễ yêu đời, ham lao động...
Tới mùa nước "quay", nợ nần gần như trả hết
Nguồn lợi thủy sản hồ thủy điện Trị An và hệ thống sông Đồng Nai luôn là nguồn sống của hàng trăm hộ ngư dân, nhất là ngư dân Việt kiều Campuchia, dân miền Tây Nam bộ cuộc sống vốn gắn liền với sông nước, cá tôm. Với họ, ngày nào người ướt là có tiền và tới mùa nước “quay” là nợ nần gần như được trả hết.