Sau gần 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản”, ngư dân tỉnh Quảng Bình mới chỉ hạ thủy được tàu vỏ gỗ, trong khi tàu vỏ thép thì chưa có chiếc nào. Việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu to, máy lớn xem ra còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng mong đợi của bà con.
Xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới là nơi có nghề cá phát triển nhất tỉnh Quảng Bình. Nơi đây có gần 400 tàu khai thác hải sản, hơn 60% dân số làm nghề biển. Nghị định 67 của Chính phủ ban hành mở ra cơ hội cho ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc.
Ngư dân Nguyễn Hữu Sáu, ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, ông đăng ký đóng tàu vỏ thép công suất hơn 800 CV, kinh phí 16 tỷ đồng. Theo quy định, khoản vốn đối ứng của gia đình ông là 800 triệu đồng. Ông phải chạy vạy khắp nơi để gom đủ số tiền này nhưng khi đóng tàu thì lại vướng về thuế.
“Nhà nước quy định sẽ hoàn trả tiền thuế nên ngân hàng loại thuế đó ra, yêu cầu người dân phải nộp vào trước số thuế này. Gia đình đóng chiếc tàu 16 tỷ nhưng vì tiền thuế lại phải lo thêm 1,6 tỷ đồng”, ông Sáu cho biết.
Tỉnh Quảng Bình có 17 ngư dân đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 tại Agribank. Đến cuối tháng 6, Ngân hàng đã ký hợp đồng với 5 ngư dân, với tổng vốn vay 34,8 tỷ đồng, đã giải ngân được 13,1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Quảng Bình cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là ngư dân không có vốn đối ứng. Nếu muốn vay vốn đóng một con tàu vỏ gỗ khoảng 6 tỷ, ngư dân phải có vốn đối ứng là 1,8 tỷ đồng. Nguồn vốn này là quá lớn đối với bà con ngư dân.
“Các đơn vị tư vấn lập dự toán, họ lập bao nhiêu người dân biết bấy nhiêu, không có một công cụ gì để kiểm soát được dự toán này. Trong khi đó dự toán này liên quan đến số tiền vay và số tiền đối ứng của khách hàng phải bỏ ra, người dân phải chịu. Nhưng do người dân không kiểm soát được dự toán này, không thẩm định lại do vậy quá trình giải ngân hơi vất vả”, ông Lâm cho hay.
Mặt khác, việc đóng tàu vỏ thép có công suất từ 800CV trở lên để khai thác xa bờ đòi hỏi trình độ, tay nghề của ngư dân phải được nâng ca, đào tạo bài bản, thích ứng với điều kiện, môi trường đánh bắt xa bờ chuyên nghiệp. Trong khi đó, tay nghề của hầu hết ngư dân ở tỉnh Quảng Bình còn hạn chế.
Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, trình tự thủ tục để đóng tàu theo Nghị định 67 đòi hỏi phải được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định. Trong khi đó trình độ của một số ngư dân vẫn còn hạn chế và thời gian ở trên biển là chủ yếu, cho nên việc lập những thủ tục này vẫn còn lúng túng. Việc thiết kế mẫu tàu vỏ thép ban hành trong thời gian ngắn, chưa qua kiểm nghiệm thực tế nên nhiều chi tiết không phù hợp, đòi hỏi chủ tàu phải sửa nhiều lần, do đó mà cũng tăng giá trị.
Để đóng một chiếc tàu lớn, thuận tiện cho việc vươn khơi ngư dân phải cần một số tiền rất lớn. Nghị định 67 phần nào đã đáp ứng nguyện vọng của ngư dân tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, còn nhiều "điểm nghẽn" trong triển khai cần các cấp, các ngành tìm cách khơi thông ách tắc, sớm đưa "con tàu 67" ở Quảng Bình vươn ra khơi xa./.