Ngày nay, nuôi thủy sản nước ngọt đã và đang trở thành một nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam nước ta; đặc biệt là nuôi các đối tượng thủy đặc sản trong đó có cá Chạch bùn.
Cá chạch bùn (M. anguillicaudatus) là loài có giá trị kinh tế, giàu dinh dưỡng, được người dân ta ưa thích và có giá trị xuất khẩu. Người dân Trung Quốc còn sử dụng cá chạch bùn như một loại dược liệu chữa bệnh. Kết quả phân tích cho thấy trong cá Chạch chứa 20,7% albumin, 2,8% chất béo, 2,2% canxi, phần còn lại là các nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể người như lân, sắt. Thuộc loại thức ăn có hàm lượng chất bổ cao nên Chạch bùn đang là đối tượng được nhiều người ưa thích.
Tuy nhiên, vấn đề gia tăng diện tích nuôi ồ ạt dẫn đến tình hình dịch bệnh xảy ra nhiều, điển hình một số bệnh hay gặp khi nuôi cá chạch như: nấm, đốm đỏ, lở loét, bệnh đường ruột,… do môi trường nước ô nhiễm hoặc nuôi với mật độ cao.
Các dòng vi khuẩn lactic acid bacteria (LAB) được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản vì chúng có khả năng sản sinh ra bacteriocins ức chế sự phát triển của các vi khuẩn khác bằng cách sản sinh ra các chất kháng khuẩn như bacteriocins, sideropheres, lysozymes, proteases và hydrogen peroxides, các chất này có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gam (-) và cả vi khuẩn gam (+). Ngoài ra còn cạnh tranh nguồn dinh dưỡng, chỗ bám trên cơ thể vật chủ và tăng cường hệ miễn dịch cho động vật nuôi.
Lactobacillus helveticus thuộc về một nhóm các sinh vật gọi chung là vi khuẩn axit lactic (LAB). Do đó, nghiên cứu này nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của việc bổ sung Lactobacillus helveticus vào chế độ ăn đối với khả năng tăng trưởng, khả năng miễn dịch tự nhiên, khả năng kháng bệnh và sức khỏe đường ruột của cá chạch. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức bổ sung Lactobacillus helveticus với các nồng độ 0 (nhóm C), 1 × 107 (nhóm T1), 1 × 108 (nhóm T2) và 1 × 109 (nhóm T3) CFU/g trong vòng 8 tuần.
Sau 8 tuần cho ăn, kết quả cho thấy hiệu suất tăng trưởng, hoạt động men tiêu hóa, mức độ biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch và các gen liên quan đến tăng trưởng, phản ứng chống oxy hóa và khả năng kháng bệnh chống lại vi khuẩn gây bệnh của cá chạch đều tăng đáng kể khi chế độ ăn có chứa hàm lượng L. helveticus so với nhóm đối chứng, và đạt giá trị tối ưu nhất ở nghiệm thức bổ sung L. helveticus 1 × 108 CFU/g.