"Những năm gần đây, Việt Nam bắt đầu chú ý đến nuôi cá biển, Chính phủ rất kỳ vọng đến nuôi quy mô công nghiệp. Người nuôi trồng của Việt Nam phải đối mặt rất nhiều rủi ro, chỉ cần thị trường các nước tạm ngừng nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản, lập tức người nông dân, doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại” - ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á (Tập đoàn De Heus của Hà Lan hoạt động toàn cầu) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Biên phòng.
Rút ra bài học từ công nghiệp nuôi biển của Na Uy
Sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam liên tục tăng 20%/năm, kể từ năm 2010 đến hiện nay. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 4 kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên thế giới, đứng đầu Đông Nam Á về nuôi trồng thủy sản. Tôi được biết, trong chiến lược nuôi biển của Việt Nam theo quy mô công nghiệp, đến năm 2030, sản lượng đạt khoảng 1,4 triệu tấn, đòi hỏi ngành thủy sản vượt qua nhiều thách thức trong hoạt động thực tiễn.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn nỗ lực làm, nhưng sản phẩm của Việt Nam luôn vượt trội hơn. Vì Việt Nam có lợi thế nuôi thủy sản trước, có sẵn thị trường trên thế giới. Tôi lấy ví dụ, mấy năm gần đây, Việt Nam thường hay nhập khẩu giống tôm hùm của Indonesia về nuôi ở lồng bè trên biển. Bộ Nông nghiệp của Indonesia đã ra lệnh cấm xuất khẩu giống tôm hùm, để cho người dân trong nước nuôi tôm hùm thịt giống như ở Việt Nam. Đến nay, người dân Indonesia vẫn chưa biết cách nuôi tôm hùm, giống tôm hùm nhiều phải bán lại cho người dân Việt Nam nuôi.
Ông Gabor Fluit trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Biên phòng. Ảnh: danviet.vn
Việt Nam có Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam đã đầu tư 200 triệu USD nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, ứng dụng hoàn toàn công nghệ cao của Na Uy. Đây được xem là trại nuôi cá chẽm lớn nhất thế giới, thị trường tiêu thụ Mỹ, Singapore, Australia, Nhật Bản… Hiện nay, cá chẽm chỉ chiếm khoảng 2% thị phần tiêu thụ của thế giới. Đây là điểm mấu chốt quan trọng cho Chính phủ Việt Nam hoạch định chính sách, người dân và doanh nghiệp tính toán đầu tư vào đối tượng mới, có thị trường tiêu thụ lớn.
Trong nuôi trồng thủy sản có 4 ưu tiên: Con giống, dinh dưỡng thức ăn, môi trường nuôi, thị trường tiêu thụ. Đây là 4 vấn đề then chốt quan trọng, để thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi biển của Việt Nam lên tầm cao. Trả lời câu hỏi của anh, tôi xin đưa ra câu chuyện của Na Uy. Trước đây, Na Uy mới phát triển công nghiệp nuôi cá biển cũng gặp phải tình cảnh cá nuôi bị chết hàng loạt, sản phẩm bán ra thị trường ít người mua, các doanh nghiệp bán phá giá lẫn nhau... giống y hệt như Việt Nam bây giờ và những năm tiếp theo, nếu Chính phủ Việt Nam không có giải pháp đủ mạnh từ sớm.
Chính phủ Na Uy đã đề ra chương trình tổng thể mang tính dài hạn: nghiên cứu và sản xuất vaccine cho cá biển, sản xuất thức ăn công nghiệp, chấn chỉnh lộn xộn thị trường, truyền thông mạnh mẽ... Hiện nay, cá hồi của Na Uy chiếm khoảng 60% thị phần trên toàn thế giới. Tốc độ nuôi biển của Việt Nam muốn tăng trưởng mạnh, bền vững, cần rút ra bài học từ Na Uy, sẽ thành công nhanh trong nuôi cá biển công nghiệp.
Nhiều loại mặt hàng thủy sản của Việt Nam vẫn bị lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, khi xảy ra sự cố gì đó, Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, người nuôi trồng, doanh nghiệp Việt Nam đứng ngồi không yên. Cần phải mở ra đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nước này khó bán, thì chuyển sang bán cho nước khác.
Xác định kênh đầu tư dài hạn
Với nguồn vốn để đầu tư nuôi biển công nghiệp từ 10 - 100 tỷ đồng/cơ sở, nhiều người dân Việt Nam thừa sức làm được. Cần xác định nuôi biển công nghiệp là kênh đầu tư dài hạn, không thể mới có 1 - 2 vụ nuôi mà đòi thu hồi đủ vốn đầu tư. Việt Nam đang tự hào xếp thứ 4 về xuất khẩu thủy sản của thế giới, nhưng giá trị USD đem về đất nước lại ít, người dân nuôi trồng vẫn còn nghèo. Vấn đề đặt ra, ngành thủy sản Việt Nam chọn đối tượng nuôi nào có giá trị kinh tế cao làm chủ lực công nghiệp nuôi biển. Na Uy có cá hồi giá trị kinh tế cao thống trị thị trường thế giới. Việt Nam nên chọn cá chẽm, cá chim làm trụ cột bao phủ thị trường thế giới. Cần tập trung mục tiêu, đừng phát triển theo chiến lược cái nào cũng “mũi nhọn”.
Bè nuôi trồng thủy sản ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận
Việt Nam bán hàng rất tốt, con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long khi mới bắt đầu nuôi cũng không có thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp kiên trì tiếp thị, quảng bá sản phẩm, liên tục mở rộng thị trường, đến nay, thị trường cá tra của Việt Nam bao phủ khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Cá cùng chủng loại sản xuất tại Mỹ cũng khó trạnh canh với cá của Việt Nam.
Cá chẽm Việt Nam mới đầu bán ra thị trường thế giới cũng ít người biết đến, Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam xác định đầu tư dài hạn, quảng bá, giới thiệu cho người tiêu dùng biết đến cá chẽm biển ăn rất ngon, hàm lượng đạm khá cao, chế biến ra nhiều món hợp với khẩu vị, sở thích người tiêu dùng. Đến nay, sản lượng cá chẽm của Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam đã tăng lên 15.000 tấn/năm, tiêu thụ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.