Đây là giả thuyết mới nhất được các chuyên gia đưa ra ngày 27/8.
Theo thống kê của Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), tính từ đầu tháng 7, có 333 xác cá heo mũi to dạt vào bờ suốt dọc bờ biển từ New York đến Carolina Bắc.
Đây là số lượng cá heo chết dạt vào bờ lớn nhất trong vòng 25 năm qua và gấp gần 10 lần trung bình cùng kỳ của 5 năm qua. Tuy nhiên, NOAA nhận định con số này còn có thể tăng thêm nữa.
Qua xét nghiệm các mẫu phẩm lấy từ xác cá heo ở tất cả các bãi biển, các nhà khoa học xác định được một loại virus có thể là căn nguyên của hiện tượng "thảm sát" này.
Theo các chuyên gia NOAA, loại virus này tương tự loại virus gây bệnh sởi ở người và virus gây bệnh sốt ho ở loài chó.
Báo cáo của NOAA cho biết 32 trong số 33 mẫu phẩm cho kết quả dương tính hoặc bị nghi ngờ tử vong do virus này.
Theo đó, virus này tấn công hệ miễn dịch, phổi và não bộ của cá heo, khiến cá thể bị suy kiệt và dễ bị mắc các căn bệnh khác trong đó có viêm phổi dẫn đến tử vong. Một số xác cá heo có những thương tổn trên da, miệng hoặc phổi.
Dù loại virus trên có thể lan truyền thông qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp giữa các cá thể, các nhà khoa học nhận định căn bệnh này không lây sang con người. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, tạm thời không có phương pháp nào để ngăn chặn sự lan truyền của loại virus trên.
Dịch virus bệnh sởi trên từng bùng phát tại vùng biển giữa Đại Tây Dương khiến hơn 740 con cá heo mũi to chết trong khoảng thời gian từ tháng 6/1987 đến tháng 3/1988.
Hiện ngoài khơi Đại Tây Dương có bốn cộng đồng cá heo sinh sống với khoảng 22.000 cá thể sống gần bờ và gần 82.000 cá thể khác sống ở vùng biển sâu hơn./.