Ông Nguyễn Ngọc Pha (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trưa 3.9, sau nhiều trận mưa lớn, nước từ trên núi Thị Vải, núi Dinh cuồn cuộn đổ về gây vỡ đập suối Giao Kèo.
"Tôi cùng công nhân kịch liệt phòng vệ nhưng trận mưa lớn không tưởng tượng được đành bất lực nhìn gần 300 tấn cá tra trong các hồ bị cuốn trôi xuống suối", ông Pha nói.
Ông Pha thả nuôi 43.000 con cá tra trong 5 hồ rộng hơn 7ha phía trên thượng nguồn đập suối Giao Kèo. Cá thả được 8 tháng và ông đã thỏa thuận bán cho nhà máy chế biến thủy sản ở miền Tây với giá 17.000 đồng mỗi ký.
"Cách đây nửa tháng, tôi kéo thử một mẻ 30 tấn, cá chỉ đạt 8 lạng nên chỗ công ty yêu cầu nuôi thêm thời gian nữa", ông nói và cho biết bị thiệt hại gần 5 tỷ đồng và hiện cá trong ao vẫn còn nhưng không đáng kể.
Người dân kích điện bắt cá sổng từ ao nuôi trong hai ngày nay. Ảnh: Nguyễn Khoa
Hay tin vỡ đập, hôm nay, hàng chục người dân ở xã Tóc Tiên, Châu Pha đổ xô đi bắt hàng bao tải cá tra, rô phi, cá trê. "Nhiều người bắt được hàng tạ cá, bán được vài triệu đồng. Thương lái chỉ mua cá còn sống, số chết đem tặng nhưng người dân không ăn", người đàn ông đang kích điện bắt cá nói.
Hiện nước vẫn tràn qua con đập, đàn cá sót lại tiếp tục tuôn ra suối, hàng chục người mang kích điện, vợt vây bắt. "Lượng cá sổng ra ngoài quá nhiều, chỗ nào có nước dí điện vào là cá trồi đầu lên", người dân cho biết.
Nhiều người dân bắt được hàng bao tải cá nuôi bị sổng ra suối. Ảnh: Nguyễn Khoa
Vụ vỡ đập suối Giao Kèo cuốn trôi nhiều đồ đạc, đàn vịt, gà của người dân xã Tóc Tiên và gây ngập úng 35ha lúa và hoa màu của người dân xã Châu Pha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, đập Giao Kèo trước đây là vùng đất trũng. Sau quá trình khai thác vật liệu san lấp, thị xã Phú Mỹ đắp bờ bao tạo thành con đập trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đập tạm bợ, gặp mưa lớn tạo áp lực gây vỡ.
Chính quyền thị xã Phú Mỹ đã đến ghi nhận thiệt hại của người dân để có hướng hỗ trợ.