Nhìn về hai đầm tôm sau nhà, ông Nguyễn Văn Kiên ở huyện Cái Nước (Cà Mau) buồn rầu nói: “Theo người ta nuôi tôm công nghiệp, chỉ mới 3 năm tôi đã lâm nợ hơn 100 triệu đồng, đó là chưa tính đến chuyện đồng vốn tích lũy của hai vợ chồng bao năm giờ mất hết”.
Gia đình ông Kiên có gần một ha đất nuôi tôm quảng canh, vài năm trước khi phong trào nuôi tôm công nghiệp ở địa phương phát triển rầm rộ, ông cũng thuê xáng cuốc đào ao, múc hầm. Nhưng giống như bao nông dân khác ở xứ này, giờ đây ông Kiên thật sự vỡ mộng với giấc mơ trở thành "tỷ phú" nhờ con tôm vì dịch bệnh, giá cả bấp bênh.
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước - Trần Hoàng Đạo nói rằng, chỉ sau mấy năm phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát bùng lên, dân xứ này lâm nợ ngân hàng ngày càng nhiều. “Rất nhiều hộ dân trong xã đã cầm bìa đỏ cho ngân hàng để vay tiền nuôi tôm công nghiệp, số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng”, ông Đạo nói.
Ở ấp Ông Khâm, người "chạy làng" đầu tiên là gia đình ông Huỳnh Văn Út. Từ chỗ gia cảnh tương đối yên ổn, sau một thời gian cầm cố hết ruộng đất để nuôi tôm, cả nhà ông Út đã phải dẫn theo 3 người con sang huyện U Minh làm thuê kiếm sống.
Ông Nguyễn Văn Quận, một nông dân ở đây cho biết, hơn 3 năm trước, tiếng trống, tiếng nhạc sập sình vang lên mỗi buổi chiều vì nhà nhà ăn mừng trúng đậm sau khi thu hoạch tôm. Thế nhưng bây giờ khác xưa, không khí ở nhiều vùng quê vô cùng ảm đạm. Nhà nào còn vốn thì cố bám lại với nghề nuôi tôm quảng canh, còn nhà nào ít đất, hết vốn thì phải bán ruộng đất lên Bình Dương, hay Đồng Nai xin làm công nhân trong các nhà máy.
Không chỉ Cà Mau, ở vùng đất Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu vẫn còn là bài học cay đắng cho dân xứ này. Xưa nay, gia đình Tư Hưng (Nguyễn Văn Hưng) nức tiếng giàu có, nhưng rồi cũng bị “ma lực” của con tôm cuốn hút. Hơn 10ha đất nuôi tôm công nghiệp của đại gia này từng đem về tiền tỷ, nhưng cũng chính nó biến ông thành kẻ trắng tay, phải bán hết đất đi đâu không ai rõ.
Nói về tình trạng người nông dân bỏ xứ đi vì con tôm ở nhiều tỉnh miền Tây, “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) ở Bạc Liêu ngán ngẩm: “Hơn 10 năm nuôi tôm, nông dân nhiều nơi bỏ xứ đi ngày càng nhiều. Ngoài việc bán đứt ruộng đất, nhiều người đành phải cầm sổ đỏ cho ngân hàng, hay đại lý thức ăn”.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, diện tích sản xuất của hiệp hội vài năm trước lên đến 2.700 ha, nhưng hiện tại việc thả nuôi chưa tới 10%.
“Những năm gần đây, số lượng hội viên tham gia sản xuất trong các vụ nuôi ngày càng ít. Một số người vì làm ăn thua lỗ đã không còn mặn mà với con tôm, nên họ bán đất đi nơi khác làm ăn cũng là điều dễ hiểu”, ông Nhiệm nói và cho biết thêm, hiện nay một số hội viên muốn tái sản xuất cũng không còn vốn để làm. Trong khi đó các ngân hàng đang dần siết chặt vốn vay, nên người nuôi rất khó tiếp cận đồng vốn để “gỡ nợ”.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, 9 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh bị thiệt hại hơn 700 ha trên tổng số 9.200 ha thả nuôi.
Còn tại Bạc Liêu, Phó giám đốc Nông nghiệp, bà Phan Thị Thu Oanh cho rằng tình hình nuôi tôm công nghiệp hiện có nhiều khó khăn. Diện tích bị thiệt hại tính đến nay lên đến hơn 5.300 ha (tổng số hơn 19.000 ha thả nuôi).
Lãnh đạo ngành nông nghiệp ở một số tỉnh nuôi tôm trọng điểm khác của Đồng bằng sông Cửu Long thì nhìn nhận, tình hình nuôi tôm thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, đặc biệt là giá thành sản phẩm giảm mạnh.
“Các nước nuôi tôm lớn trong và ngoài khu vực như: Trung Quốc, Ấn Độ Ecuador… bị dịch bệnh năm 2013 hiện đã phục hồi, cộng với hàng tồn kho năm 2014 làm mất cân bằng cung - cầu mặt hàng tôm trên thị trường thế giới, thêm vào đó là giá các yếu tố đầu vào tăng cao, càng gây khó khăn cho nghề nuôi tôm trong nước”, ông Châu Công Bằng phân tích.
Theo bà Phan Thị Thu Oanh, điều gây khó cho nông dân hiện nay là giá cả thức ăn, con giống… phục vụ nghề nuôi tôm tăng cao, nhưng giá bán con tôm nguyên liệu lại giảm xuống. Chính vì thế nông dân sau mỗi vụ thu hoạch, trừ đi chi phí sẽ không có lãi.
“Tôm sú loại 20 con một kg giảm 30% so với cùng kỳ, hiện có giá 240.000 đồng một kg; tôm thẻ loại 100 con một kg có giá 70.000 đồng (giảm hơn 41%)”, bà Oanh thông tin.