Theo ông Thắng, vụ việc cá chết không chỉ gây hoang mang, ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản của người dân mà còn là vấn đề môi trường và nguồn lợi quốc gia. Đây là vấn đề sinh kế của người dân trải dài 300 km ven biển chứ không đơn thuần là chuyện mấy con cá chết.
Cá chết khiến ngư dân không dám đi biển, người nuôi trồng thì không dám thay nước. Người dân rất lo lắng vì cá đánh bắt xa bờ, cá ven bờ và nuôi trồng đều có sức tiêu thụ chậm.
Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá chết. Bởi nếu không xác định được nguồn gây độc khiến cá chết thì những thông tin liên quan như có dùng cá làm thực phẩm được không, có tiếp tục đánh bắt và nên nuôi trồng chưa sẽ không trả lời được.
Hội Nghề cá đề nghị không nên đánh đổi điều gì đó để phát triển kinh tế. Nếu như doanh nghiệp nào ý thức phát triển kinh tế mà chấp nhận đánh đổi thì đề nghị Chính phủ kiên quyết đóng cửa.
Theo ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, trước khi có kết luận chính xác nguyên nhân cá chết, các địa phương cần tổng kết thiệt hại, ảnh hưởng tới đời sống ngư dân ra sao, sau đó có trợ cấp cho ngư dân.
Một số chuyên gia nhận định, nguyên nhân khí hậu nóng gây cá chết có thể loại bỏ bởi Phú Yên và Nam Bộ - nơi nóng nhất không có hiện tượng này. Tảo độc hay động đất, sóng thần cũng không phải lý do. Ở đây có yếu tố của con người gây ra độc tố rất mạnh mới gây chết cá hàng loạt.
Để tìm ra nguyên nhân chính xác khiến cá chết, cơ quan chức năng nên lấy mẫu đất và nước liền kề nơi đang nghi vấn rồi sử dụng máy phân tích một lần nhiều chỉ tiêu. Sau đó, cơ quan chức năng cũng nên lấy mẫu cá vừa chết, sử dụng mang và dạ dày cá để phân tích. Ngoài ra, kiểm tra kỹ chất trong 300 tấn hóa chất mà nhà máy Formosa (Hà Tĩnh) nhập về có chứa chất trùng với chất phân tích ở các mẫu đã lấy bên trên không cũng là cách quan trọng để xác định nguyên nhân.
Hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện vào ngày 6-4-2016 tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó xuất hiện cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các cơ quan chuyên môn nhanh chóng vào cuộc, thu mẫu, xác định nguyên nhân.
Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy, cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Hiện tại, không còn thấy xuất hiện cá chết như những ngày trước đó.