Tiềm năng
Sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chảy qua 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh của Bình Thuận, rồi đổ ra hồ Trị An - sông Đồng Nai. Sông này có nhiệm vụ rất quan trọng là cấp nước chính, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của người dân các địa phương, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng ở vùng trũng vào mùa mưa.
Tận dụng lợi thế đó, người dân ở 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh (Bình Thuận) đã phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt.
Một người nuôi nơi đây cho biết: "Ban đầu chỉ vài hộ thả nuôi, sau đó lan rộng ra 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh vì hiệu quả kinh tế mang lại. Từ đó nghề nuôi cá nước ngọt nơi đây phát triển đa dạng với nhiều đối tượng nuôi như cá chình, thát lát, cá lăng, bống tượng và các loại cá truyền thống như cá trắm, mè, chép, điêu hồng và trở thành sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Ông Võ Văn Ty, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tánh Linh cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 1.600 ha mặt nước, trong đó diện tích ao bàu trên 90 ha và mặt hồ Biển Lạc trên 1.500 ha (mùa nước kiệt khoảng 350 ha).
Nửa đầu năm 2019, toàn huyện thả nuôi gần 500 ha, tổng sản lượng thu hoạch trên 1.000 tấn. Đặc biệt, cá thát lát cườm là đối tượng nuôi có tiềm năng phát triển trong tương lai, vì có phẩm chất thịt ngon, ít xảy ra dịch bệnh, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
“Thời gian qua, việc kết hợp kêu gọi doanh nghiệp thu mua cá thát lát cườm thương phẩm, tạo nên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bước đầu được thực hiện một cách thuận lợi, tạo điều kiện cho các hộ nuôi ở 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm”, ông Ty chia sẻ.
Ương cá giống ở thung lũng sông La Ngà.
Chuyển giao kỹ thuật nuôi mới
Tại hội thảo về “Phát triển nuôi thủy sản nước ngọt khu vực thung lũng sông La Ngà” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức mới đây tại thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh), ông Nguyễn Tám, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Bên cạnh những đối tượng nuôi truyền thống, đơn vị đã chuyển giao kỹ thuật các loài nuôi mới có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định như cá chình, lươn, cá lăng nhà, thát lát cườm…
Qua đó, dần thay đổi nhận thức của bà con trong việc sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế các loại thức ăn tươi sống, dễ làm ô nhiễm môi trường. Cá nuôi sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp nên rút ngắn thời gian nuôi. Không những thế chất lượng thịt cá thơm ngon, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là cá thát lát cườm.
Kiểm tra cá giống.
Vấn đề trên được ông Phạm Xuân Thanh, một người nuôi xã Gia An (Tánh Linh) xác nhận và cho biết, gia đình ông có khoảng 5.000m2 ao nuôi, thả các loại cá thát lát, cá trê, diêu hồng… Sau 8 tháng thả nuôi, cá thát lát bắt đầu cho thu hoạch, ông bán với giá 80 ngàn đồng/kg, cho lãi từ 30-40%. Đối với các loại cá khác như cá trê, ông thu hoạch bán với giá khoảng 40 ngàn đồng/kg, cho lãi từ 20-30%.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, hướng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tại vùng thung lũng sông La Ngà trong thời gian tới là đẩy nghề nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó hướng người nuôi nâng cao chất lượng, gắn với ổn định môi trường sinh thái, duy trì ổn định diện tích mặt nước nuôi thủy sản trong ao, bàu, lồng bè. Đặc biệt là xây dựng hoàn chỉnh liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ với đối tượng cá thát lát, từng bước xây dựng nhãn hiệu “Cá thát lát Tánh Linh”.