Trong đợt hạn hán và nước mặn xâm nhập vừa qua, hàng chục nghìn ha tôm nuôi của tỉnh Cà Mau bị thiệt hại. UBND tỉnh này đã công bố thiên tai mức độ 2 và tiến hành thống kê diện tích, các hộ dân bị thiệt hại để hỗ trợ. Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ đến nay gặp phải khó khăn do phần lớn người dân bị thiệt hại không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo như quy định.
Đợt hạn mặn vừa qua đã làm cho hơn 3 ha tôm nuôi thâm canh của gia đình bà Nguyễn Thị Sòl ở xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời bị thiệt hại hoàn toàn. Mặc dù số tiền mà gia đình đầu tư đã lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh để được hỗ trợ thiệt hại theo như quy định.
Nhiều người dân nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau cũng đều trong tình trạng tương tự như vậy. Bởi theo Thông tư số 05 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách được hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất trong vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì điều kiện phải có hóa đơn, chứng từ kê khai ban đầu để đối chiếu.
Ông Thái Văn Khắc, Xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, từ cuối năm ngoái đến nay, ông nuôi tới 3 vụ tôm, thiệt hại và lỗ khoảng 180 triệu đồng nhưng cũng không có chứng từ để chứng minh.
“Nói chung ở đây làm thì không có giữ lại được hóa đơn, có những nơi mua thì cũng có nơi xuất hóa đơn nhưng là hóa đơn chợ đó, lợi mua một ít thì người cũng có hóa đơn kèm theo chủ yếu là tính tiền thôi chứ không phải hóa đơn giá trị gia tăng nên đâu có thanh toán được. Mình cũng không có lưu ý phần đó, đối chiếu số tiền hàng đầy đủ về là bỏ chứ không có giữ lại”- ông Thái Văn Khắc nói.
Theo phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, qua rà soát, thống kê toàn huyện có hơn 14.000 ha thủy sản bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán và nước mặn xâm nhập, số tiền hỗ trợ hơn 64 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 90 hộ trong tổng số 10.000 hộ thiệt hại xuất trình được hóa đơn, chứng từ trong quá trình đầu tư sản xuất.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau cho biết: “Đối với địa phương thì nắng hạn như vậy ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi trồng thủy sản. Để khôi phục thì địa phương yêu cầu các ngành chức năng tỉnh, trung ương hỗ trợ cho người dân. Vì đây là thiệt hại thật sự trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau".
Ông Lê Văn Vũ, Phó Chủ tịch xã Trần Thới, huyện Cái Nước thông tin, xã có hơn 3.300 ha diện tích nuôi tôm, trong đó, có gần 2.455 ha bị thiệt hại. Tuy nhiên, nếu xét theo Thông tư số 05 của Bộ Tài chính hỗ trợ thiệt hại đối với lĩnh vực nuôi thủy sản do thiên tai, dịch bệnh thì địa phương không có hộ nào đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ.
Ông Vũ cũng chia sẻ, tập quán của người dân là mua bán theo kiểu thỏa thuận cá nhân, không hợp đồng giấy tờ mà chủ yếu thỏa thuận bằng miệng, thông qua chữ tín giữa 2 bên. Ngoài ra, người dân phần lớn thả nuôi theo hình thức thả nối vụ nên cũng gây khó khăn đối với việc quản lý giống.
“Chứng minh lượng tôm thả xuống hiện nay cho bà con rất khó, hầu hết bà con mua con giống về là không có chứng từ. Do đó, việc quy định chứng minh chứng từ đối với bà con là cái khó nhất. Từ trước đến nay, bà con mua con giống thì đến các cơ sở sản xuất, đặc thù của địa phương nữa là bà con mua tại các trại vèo, tôm hầm đất, do đó việc giao dịch của bà con và đơn vị bán thì không có hóa đơn, chứng từ”.
Một khó khăn khác là việc đối tượng tôm và thủy sản có đặc điểm ở dưới nước, nên khi hội đồng xét duyệt thì khó xác định mức độ thiệt hại.
Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 52.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, ước số tiền hỗ trợ khoảng 260 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu theo quy định về điều kiện hỗ trợ như hiện nay thì đối tượng thụ hưởng sẽ không nhiều. Vì vậy, bà con người nuôi tôm Cà Mau đang rất mong các ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để có điều kiện tiếp tục tái đầu tư cho sản xuất./.