Khi tảo phát triển ổn định, nước có màu xanh vàng, hoặc vàng nâu. Tảo là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm mới thả. Ngoài ra tảo còn có nhiệm vụ che phủ không cho ánh sáng chiếu xuống nền đáy giúp hạn chế rong đáy phát triển. Tảo còn giúp tăng hàm lượng oxy hòa tan vào trong nước, tạo cảm giác an toàn cho tôm bắt mồi và giúp ổn định các yếu tố môi trường trong ao nuôi.
Khi nuôi tôm các ao thường dễ bị mất màu nước trong tháng nuôi đầu tiên, hoặc khi gây màu nước rất khó khăn nhưng gây màu được rồi lại mất. Cần xác định chính xác nguyên nhân để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục thích hợp.
Nguyên nhân mất màu nước trong ao nuôi tôm:
- Chết tảo trong ao do dùng hóa chất ( Cl, BKC, fomal, glutaraldehyde..)
- Ao nuôi thiếu muối dinh dưỡng ( N, P, K...)
- Gây tảo lúc trời âm u, thời tiết xấu.
- Thiếu oxy vào ban đêm
- Thiếu CO2 vào ban ngày
- Cấp nước từ ao lắng đã diệt khuẩn sang ao nuôi
- Thay nước làm mật độ tảo giảm
- Nước quá đục ngăn cản sự quang hợp của tảo
- Bón vôi CaCO3 quá liều làm sụp tảo, đánh vôi vào ban đêm cũng là nguyên nhân làm mất tảo.
- Do ao nuôi thiếu nguồn tảo cần thiết ( tảo lục, tảo khuê).
Cách khắc phục:
Ao thiếu tảo thường diễn ra khi nước dục, ao nghèo dinh dưỡng, hàm lượng chất hữu cơ lơ lửng trong ao nhiều…Cần sử dụng các biện pháp tổng hợp để trợ lắng và bổ sung dinh dưỡng nhằm gây màu nước cho ao tôm.
Trong trường hợp ao nuôi bị mất màu trong tháng nuôi đầu tiên vì tảo bị thiếu thức ăn, hiện tượng này rất thường gặp ở những ao mới xây dựng, ao nuôi trên nền đáy cát, ao có lót bạt đáy hoặc ao bị nhiễm phèn. Nếu những ao gặp phải trường hợp này cần bổ sung phân và muối dinh dưỡng cho tảo với liều lượng cao hơn, tùy vào điều kiện dinh dưỡng của từng vùng và từng ao nuôi.
Trường hợp tảo bị chết hầu hết do người nuôi sử dụng thuốc, hóa chất sát trùng có độ an toàn thấp (Formol, Chlorine, BKC,...) sẽ gây lại tảo rất khó khăn. Khi nước bị mất màu trong tháng nuôi đầu tiên sẽ làm tôm giảm bắt mồi, tôm kéo đàn chạy hoặc bám vào rong, tảo ở đáy ao, dẫn đến tỷ lệ hao hụt lớn, vì thế người nuôi cần cân nhắc khi lựa chọn các loại thuốc xử lý trong quá trình cải tạo ao cũng như xử lý đúng liều để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo trong ao nuôi.
Gây màu nước đúng cách
Phân vô cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tan nên gây màu nước nhanh hơn, tuy nhiên nó sẽ kém bền hơn so với gây màu nước bằng phân hữu cơ. Hình minh họa
Bón phân vô cơ (uree hoặc DAP):
Để ổn định màu nước và không để mất màu trong tháng nuôi đầu tiên bón ngày thứ nhất 2-3kg/1000m2 nước, từ ngày thứ 2-21 mỗi ngày bón 0,65kg/1000m2 nước, từ ngày 22 – 30 bón 0.95kg/1000m3.
Bón phân hữu cơ cám sống:
Dùng cám sống, bón từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 21 liều 1-2.2kg/1000m2/ngày, từ ngày 22 – 30 bón 1,3 kg/1000m2/ngày.
Ngoài ra sử dụng chế phẩm sinh học E.M.P để đưa vi sinh có lợi cho ao nuôi giúp các loại tảo có lợi phát triển. Với những ao khó gây màu với nguyên nhân thiếu nguồn tảo cần thiết thì có thể lấy nước ở ao có nguồn tảo lợi dồi dào cấp sang ao này kết hợp các biện pháp gây màu nước.
*Lưu ý trong quá trình gây màu nước hạn chế đánh vôi vào ban đêm và các hóa chất (BKC, formal, Cl..)