Theo ông Đồ Văn Thừa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, hơn một tháng nay, bệnh phân trắng xuất hiện rải rác trên địa bàn huyện và tập trung nhiều ở 3 xã là An Thạnh 3, An Thạnh 2, An Thạnh Nam. Bệnh có khả năng lây lan cao giữa các ao và có thể tái phát vào vụ sau. Hiện nay, khoảng 300 ha diện tích thả nuôi của huyện đã nhiễm bệnh phân trắng.
Ông Trần Quang Cần, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung) cho biết, ông có một ao 2.000 m2 bị bệnh phân trắng sau khi đã thả nuôi được 50 ngày. Sau đó, 3 ao khác cũng bị lây nhiễm bệnh. Qua điều trị, 3 ao đã hết bệnh, còn ao đầu tiên nhiễm bệnh vẫn không điều trị hết. Ông Cần lo lắng bệnh phân trắng sẽ tiếp tục lây lan ở diện tích thả nuôi tôm của gia đình.
Bệnh phân trắng thường gặp vào mùa mưa. Bệnh do nhiều yếu tố gây nên như: cho ăn quá mức, thức ăn không đảm bảo chất lượng hoặc nhiễm nấm mốc, độc tố; tôm ăn phải tảo độc, hến, ốc con… Bên cạnh đó, bệnh phân trắng trên tôm còn do hệ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi tôm gây nên.
Khi bị nhiễm bệnh phân trắng, năng suất tôm sẽ giảm. Nguyên nhân là do tôm bị bệnh phân trắng sẽ bị ốp thân (thịt không đầy vỏ), chậm lớn. Tôm bị bệnh phân trắng nặng có thể kèm theo triệu chứng teo gan. Bệnh phân trắng không gây tôm chết cấp tính, nhưng khi tôm bị bệnh phân trắng, người dân cần mất 3 tuần điều trị để tôm phát triển bình thường.
Thạc sỹ Võ Quốc Hào, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, bệnh phấn trắng thường xuất hiện trên tôm từ sau 30 ngày tuổi đến hơn 2 tháng tuổi. Biểu hiện của bệnh phân trắng là khi quan sát trên thân tôm, nông dân thấy ruột đứt khúc hoặc ruột lỏng, tôm dính sợi đuôi phân trắng dài và xuất hiện nhiều sợi phân trắng nổi lên ở góc ao cuối gió… hoặc tôm bị ốp thân và giảm ăn, chậm lớn.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều hơn nắng như hiện nay, khả năng lây lan và bùng phát dịch bệnh phân trắng trên tôm là rất cao. Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người dân nên chủ động đối phó và phòng ngừa bệnh phân trắng trên tôm; tăng cường quản lý các yếu tố môi trường như độ pH, độ kiềm, độ mặn,… trong ngưỡng thích hợp; không cho tôm ăn quá nhiều. Thời tiết lạnh, mưa dầm thì giảm lượng thức ăn, tăng cường chạy quạt…
Khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng, cần xử lý lại môi trường ao nuôi, diệt khuẩn ao nuôi bằng sản phẩm diệt khuẩn an toàn; dùng sản phẩm đặc trị bệnh hoặc men tiêu hóa, lá ổi non, cau ăn trầu… để cho tôm ăn, điều trị bệnh.
Cách dùng lá trầu không trị bệnh phân trắng:
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, cho biết, lá trầu sau thu hái được làm sạch, làm khô nước và xay nhuyễn, ly tâm lấy được dịch chiết xuất lá trầu. Cho dịch chiết lá trầu lên men với các vi sinh vật có lợi tạo thành Bokashi trầu. Bokashi trầu ở nồng độ 4,5 ppm có khả năng ức chế hoạt động và ở nồng độ 7,5 ppm có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn Vibrio, Aeromonas, E. coli, Coliform, Staphylococcus .
Trường hợp tôm bị bệnh phân trắng nặng, người dân nên cắt cữ ăn, diệt khuẩn môi trường, cấy vi sinh lại ao nuôi và trộn cho tôm ăn liên tục các loại kháng sinh được phép lưu hành. Tùy vào dấu hiệu và thời gian phục hồi của tôm để ngừng sử dụng kháng sinh, phục hồi hệ vi sinh đường ruột và thu hoạch tôm.