Hiện nay, bão Jelawat di chuyển theo hướng tây bắc rồi chuyển sang đông bắc về phía đông nam đảo Đài Loan, sau đó hướng về vùng biển Nhật Bản.
Theo đánh giá của cơ quan khí tượng Việt Nam, khả năng bão Jelawat vào biển Đông chỉ khoảng 30-40%. Hiện nay, diễn biến cơn bão vẫn khá phức tạp vì ngoài khơi Thái Bình Dương còn một cơn bão mạnh khác có tên quốc tế là Ewiniar. 2 cơn bão này có thể tương tác với nhau khiến hướng đi thay đổi. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cơn bão này.
Tuy chưa vào biển Đông nhưng bão Jelawat đã gây ảnh hưởng xấu trên biển.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Jelawat kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên ở khu vực phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục khoảng 12 – 14 độ vĩ bắc kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau – Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Hiện nay, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên từ ngày mai (28/9), ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc lại mạnh lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TW – Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cần thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về vùng thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh.
Ngoài ra, các tỉnh cần tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động đối phó.