Mặc dù, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã khẳng định họ không sử dụng nguyên liệu khai thác bằng lưới cản. Tuy nhiên, EII đã đưa ra cảnh báo đối với các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam về việc không được sử dụng nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác bằng phương pháp lưới cản và việc khai thác cá ngừ vằn bằng phương pháp này đã vi phạm chính sách của EII về bảo vệ cá heo và môi trường biển.
Để quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy định này, đặc biệt liên quan đến dự án bảo vệ cá heo và môi trường biển, EII đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, nhất là đối với mặt hàng cá ngừ vằn, phải có chứng nhận của cơ quan nhà nước đối với từng lô nguyên liệu cá ngừ vằn cập cảng.
Giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước của Việt Nam phải có đầy đủ các thông tin theo quy định mới có giá trị để cấp dấu “An toàn cá heo- Dolphin safe”. Cụ thể, giấy chứng nhận phải có các thông tin sau: Tên tàu đánh bắt cá ngừ cập cảng; sản lượng cá ngừ đánh bắt; khu vực đánh bắt; Khoảng thời gian đánh bắt (ngày bắt đầu và ngày kết thúc đánh bắt); bản sao công chứng đăng ký tàu đánh bắt cá ngừ vằn cập cảng bằng tiếng Anh; ngày và địa điểm cập cảng; Tên cán bộ giám sát của cơ quan quản lý nghề cá có thẩm quyền của Việt Nam.
VASEP cho biết, đây là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia trong thời buổi hội nhập nói chung và các doanh nghiệp cá ngừ nói riêng. Do đó, cơ quan nhà nước cần phải chủ động chuẩn bị các thông tin, dữ liệu để trao đổi với Tổ chức EII và các tổ chức liên quan ngay khi có yêu cầu để có nhận định đúng và khách quan về tình hình đánh bắt cá ngừ vằn của Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong thời gian tới liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận của Cơ quan nhà nước tại Việt Nam theo yêu cầu của Tổ chức EII.