Doanh nghiệp gặp khó vì giấy phép khai thác
Thực tế cho thấy, so với những mặt hàng xuất khẩu khác như tôm, cá tra, cá ngừ … thì xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ (chủ yếu là nghêu, sò) của Việt Nam không đạt được kim ngạch lớn. Tuy nhiên, nhóm sản phẩm này cũng góp phần không nhỏ trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tương tự, mặt hàng cua ghẹ của Việt Nam cũng đang sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ khi trong tháng 2/2014 chỉ đạt gần 4 triệu USD, giảm 1,1%. Con số được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cập nhật ngày 14/4 cho thấy, tháng 2 năm nay chỉ có các mặt hàng mặt hàng cua ghẹ chế biến và đóng hộp mới tăng trưởng ở mức hơn 3% so với cùng kỳ năm trước còn các loại cua ghẹ khô/muối/đông lạnh lại giảm liên tục từ đầu năm tới nay, giảm hơn 8,5%.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm thì doanh nghiệp xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ lại đang vấp phải khó khăn bởi quy định về giấy phép khai thác. Theo VASEP, hiện nay nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ từ Kiên Giang đang đứng trước nguy cơ phải đền bù hợp đồng cho các đơn hàng trị giá hàng triệu USD và hàng nghìn công nhân sắp mất việc làm do không có nguyên liệu để chế biến. Khó khăn này là do sự thay đổi thủ tục hành chính tại quy định của Thông báo số 72/TB-SNNPTNT, ngày 3/12/2013 của Sở NN và PTNT Kiên Giang và việc Cơ quan Chất lượng Nam bộ thông báo tạm đình chỉ thu hoạch đối với vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ thuộc quần đảo bà Lụa (huyện Kiên Lương).
Do các doanh nghiệp xuất khẩu phải ký trước nhiều hợp đồng nghêu lụa cho khách hàng với tổng khối lượng 20.000 – 30.000 tấn trong năm 2014 và trị giá đơn hàng lên tới hàng triệu USD nên với thông báo này các doanh nghiệp không kịp thay đổi kế hoạch đã ký với khách hàng. VASEPcho biết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không mua được nguyên liệu cho các hợp đồng đã ký và cũng không có Giấy chứng nhận xuất xứ cho mỗi đơn hàng đi các thị trường lớn như EU, Mỹ, New Zealand.
Mở rộng thị trường tiềm năng
Bên cạnh việc giữ ổn định tại các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu cua ghẹ và nhuyễn thể mảnh hai vỏ cũng đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới. Nếu như năm năm 2013, xuất khẩu nhuyễn thể mảnh 2 vỏ sang EU - thị trường NK lớn nhất chiếm gần 70% tổng xuất khẩu của cả nước đang tăng chậm lại thì năm 2014 các doanh nghiệp đang phấn đấu tăng kim ngạch trở lại ở thị trường lớn này. Ngoài ra, với các thị trường trong nhóm 10 quốc gia nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Hàn Quốc, Canada và Trung Quốc cũng sẽ được các doanh nghiệp cố gắng giữ ổn định sản lượng, không bị giảm như năm 2013. Đặc biệt, với thị trường Australia và Đài Loan có tốc độ tăng trưởng dương là 13,4% và 21,5% trong năm 2013 cũng được xem là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng kim ngạch của mình trong năm nay.
Đối với xuất khẩu cua ghẹ, tính đến hết tháng 2, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị trong 2 tháng đạt hơn 5,4 triệu USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Vì thế, các doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu duy trì mức tăng này tại thị trường Mỹ trong suốt năm 2014. Đáng chú ý là doanh nghiệp xuất khẩu cua ghẹ cũng đang kỳ vọng nhiều ở thị trường Đài Loan và Canada bởi từ đầu năm đến nay mức tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang hai thị trường này đã lên tới 3 con số.